Tiên Lương đang là xã đi đầu của huyện Cẩm khê trong việc phát triển nghề chăn nuôi gà. Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi gà của xã chưa thực sự bền vững, do các hộ chăn nuôi vẫn mang nặng tính tự phát, không có quy hoạch, kế hoạch, nên không kiểm soát hết dịch bệnh, không chủ động được con giống, đặc biệt là thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Các hộ tiêu thụ gà thường không có hợp đồng dẫn đến giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Thu tiền tỷ từ mô hình liên kết chăn nuôi gà
Trong bối cảnh đó, năm 2019, 12 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã quyết định liên kết để thành lập HTX Tiên Sơn (xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ). Ngoài thành viên, HTX còn có hàng chục thành viên liên kết trên địa bàn xã. HTX ra đời với mục đích góp phần thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ thành sản xuất có liên kết, nhằm nâng cao giá trị và thu nhập cho các hộ thành viên.
Nhờ mô hình chăn nuôi gà bền vững của HTX Tiên Sơn mỗi năm mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho các thành viên. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. |
Bên cạnh đó, HTX còn huy động được vốn của các thành viên, kết hợp vay vốn ngân hàng để đầu tư xây trên 5.000 m2 chuồng trại với kinh phí 3,5 tỷ đồng để phát triển đàn gà thịt và đàn gà đẻ trứng thương phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện nay HTX thường xuyên duy trì tổng đàn gà với hơn 6 vạn con, trong đó tổng đàn gà thịt chiếm trên 80%, còn lại là đàn gà đẻ trứng thương phẩm. Với phương châm sản xuất ổn định lâu dài, nên các hộ thành viên HTX rất chú ý đến việc lựa chọn con giống và đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, vì vậy giống và cám được HTX nhập chung từ các Công ty chuyên cung cấp con giống, cám có uy tín ở khu vực phía Bắc.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay nhiều hộ thành viên của HTX đã có thu nhập ổn định và tăng trưởng hàng năm từ nghề chăn nuôi gà. Điển hình như hộ thành viên anh Ngô Văn Khánh, trước khi tham gia HTX chỉ nuôi từ 5 - 10 nghìn con mỗi lứa, từ sau khi tham gia HTX, anh Khánh đã mở rộng quy mô về diện tích chuồng trại từ 500 m2 lên 1.900 m2, tăng số lượng gà nuôi lên gấp 2 - 3 lần, hiện nay trung bình mỗi lứa nuôi từ 15 - 20 nghìn con, gà được nuôi thả khoảng 4,5 tháng mới xuất bán, như vậy trung bình một năm nuôi được hơn hai lứa.
Riêng gia đình hộ anh Khánh doanh thu bán gà mỗi năm đạt trung bình 5,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng, với giá bán trung bình 75.000 đồng/kg. Ngoài ra các hộ thành viên còn lại có quy mô nuôi nhỏ hơn trung bình mỗi hộ nuôi từ 5-10 nghìn con/lứa.
Không dừng lại ở đó, HTX Tiên Sơn đã chủ động tìm kiếm thị trường để ký kết hợp đồng tiêu thụ gà, trứng gà thương phẩm ổn định theo từng năm. Hiện nay sản lượng gà và trứng gà của HTX chủ yếu được thương lái tiêu thụ với giá ổn định tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, địa chỉ xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội chiếm 60% sản lượng, 40% sản lượng còn lại HTX ký hợp đồng bán buôn với các thương lái trong và ngoài tỉnh.
Việc tổ chức chăn nuôi theo mô hình HTX, bước đầu đã giúp các thành viên liên kết chặt chẽ hơn trong chăn nuôi, cùng nhau chia sẻ những thuận lợi, khó khăn. Quan trọng hơn HTX đã giúp các hộ chăn nuôi có đầu ra ổn định, nhiều hộ gia đình trước đây thuộc hộ nghèo nay đã vươn lên làm giàu.
Hiện nay, HTX tạo việc làm ổn định cho từ 15-20 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Liên kết làm giàu từ nghề truyền thống
Còn tại khu Thạch Đê có 349 hộ dân, trong đó có 23 hộ sản xuất mì gạo và 4 hộ sản xuất bún. Nghề làm mì, bún gạo đã có từ hàng trăm năm nay ở Thạch Đê, nhưng trước đây chủ yếu người dân làm nghề thủ công từ khâu xát gạo, đãi gạo, xay bột, thái sợi… nên năng suất và chất lượng sản phẩm còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu chỉ bán cho người dân trong xã và bán tại các chợ truyền thống, giá thành thấp.
Từ ngày HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hùng Việt (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) hỗ trợ bao tiêu sản phẩm là điều kiện thuận lợi để nhiều hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, từng bước nâng cấp máy móc, thiết bị sản xuất. Sản phẩm mì gạo Thạch Đê ngày một hoàn thiện về chất lượng và mẫu mã. Vừa qua sản phẩm Mì gạo Thạch Đê đã tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao do UBND huyện Cẩm Khê tổ chức.
HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hùng Việt đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động mở rộng thị trường, phát triển thêm dịch vụ để nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX và các xã lân cận. |
Có thể thấy việc khôi phục và tiếp tục phát triển nghề làm mì tại Thạch Đê không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa một làng quê mà còn góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Góp phần quan trọng trong việc phân công, sử dụng lao động, nâng cao trình độ chuyên môn và sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống cho thành viên HTX và người dân Thạch Đê.
Hiện nay sản phẩm mì gạo Thạch Đê đang được HTX tích cực quảng bá, kết nối phân phối tại thị trường tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận như: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh… bước đầu sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích và đánh giá chất lượng, thơm ngon, bao bì đẹp mắt, giá bán trung bình từ 30 - 35.000đ/kg, ước doanh thu năm 2023 đạt trên 2 tỷ đồng.
Anh Đoàn Văn Tiến, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hùng Việt cho biết, HTX hiện đang chỉ đạo sản xuất trồng lúa theo tiêu chuẩn VIETGAP trên diện tích 200ha/vụ. Từ khi ký hợp đồng liên kết sản xuất, cung cấp gạo ổn định cho HTX mì gạo Hùng Lô, HTX đã vận động các thành viên thực hiện việc trồng, chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn Vietgap.
Ban đầu việc tuyên truyền cho người dân thực hiện theo qui trình còn khó khăn, năng suất lúa đạt thấp hơn trước. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất người dân không phải tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại cho sức khỏe; đầu ra sản phẩm ổn định; giá bán tăng hơn khoảng 20% so với trước. Vì vậy, đến nay các thành viên HTX rất đồng tình ủng hộ việc sản xuất an toàn theo quy trình và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
“Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động mở rộng thị trường, phát triển thêm dịch vụ để nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX và các xã lân cận”, ông Tiến cho hay.
Hướng đi bền vững của HTX
Toàn tỉnh Phú Thọ có 662 HTX, tăng 8,1% so năm 2021, trong đó có 542 HTX đang hoạt động chiếm 81,8% so tổng số HTX, khu vực HTX thu hút 100.418 thành viên tham gia. Lợi nhuận bình quân ước đạt 196 triệu đồng/1 HTX. Hoạt động của các HTX đã tạo việc làm ổn định cho 5.067 thành viên, người lao động, với thu nhập bình quân đạt 04 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng trên 52.000 lao động nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm giúp các HTX trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, mở rộng xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm của địa phương đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Liên minh tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 40 HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, giới thiệu kết nối hợp tác xã đưa sản phẩm tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời kết nối nhiều HTX với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố Việt Trì để tiêu thụ sản phẩm như Siêu thị Coop Mart, điểm bán sản phẩm OCOP của Sở Công thương...
Song song với đó, giới thiệu, quảng bá và kết nối đưa sản phẩm của HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử và tại Hội nghị giới thiệu quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại hội chợ xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai... Hàng trăm sản phẩm của các HTX tham gia hội chợ, gian hàng trưng bày, bày bán tại hệ thống siêu thị đều là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng, có thương hiệu và sản xuất tại tỉnh.
Đặc biệt, với vai trò cầu nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các HTX đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh (giaothuong.net.vn) với 303 gian hàng gồm 946 sản phẩm và đã có trên 5,5 triệu lượt người truy cập. Trong đó, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ uống của các HTX đã có lượt khách hàng tiếp cận cao.
Có thể khẳng định, với sự năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều mô hình HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thành công trên thị trường. Tuy đã có một số HTX thực hiện liên kết, liên doanh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm xây dựng chỗ đứng trên thị trường, có đầu ra ổn định. Nhờ đó giúp các thành viên yên tâm sản xuất, kinh tế của các thành viên HTX ngày càng khởi sắc.
Hoàng Hà