Để thực hiện tốt tiêu chuẩn về sản xuất rau VietGAP, HTX Long Tuyền tập trung nâng cao ý thức, tuyên truyền cho thành viên về tác hại của các loại thực phẩm bẩn đối với sức khỏe. Nhờ vậy, mỗi thành viên trong HTX mới hiểu và ý thức trong việc sản xuất của mình.
HTX cũng chủ trương xây dựng một mô hình kinh tế hợp tác theo tư tưởng đổi mới, lấy yếu tố xanh, sạch, thân thiện với môi trường làm nòng cốt phát triển.
Nâng cao giá trị từ chuỗi
Để có được kết quả như ngày hôm nay, HTX đã thành lập một đội ngũ kỹ thuật, thành thạo về chuyên môn cây trồng, luân phiên đi kiểm tra đều đặn ở mỗi tổ trồng rau khác nhau.
Đến nay, HTX hoàn chỉnh khép kín thủy lợi nội đồng khu sản xuất, lập cơ cấu diện tích sản xuất, chủng loại cây trồng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
HTX đầu tư trạm bơm điện để các thành viên có thể canh tác rau màu quanh năm, không lo ảnh hưởng khi đến mùa mưa bão hoặc triều cường. Hệ thống nhà lưới cũng từng bước được hoàn thiện kết hợp ứng dụng KH-KT tiên tiến trong quy trình sản xuất rau an toàn công nghệ cao, tạo nền tảng lâu dài cho sản xuất đi vào chiều sâu.
Với diện tích trồng rau chuyên canh 15 ha, số hộ thành viên 20 hộ, trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 900 tấn rau củ quả các loại.
HTX luôn bảo đảm mức thu nhập cao cho các hộ thành viên. Ngoài tiền lãi từ sản phẩm, cuối năm, các thành viên sẽ được chia lãi lần 2. Nhờ đó, toàn bộ thành viên trong HTX luôn tích cực, tự giác sản xuất sạch theo đúng quy trình đề ra. Các sản phẩm rau của HTX luôn có mặt trên các siêu thị của tỉnh và Tp.HCM, các trường học, bếp ăn tập thể…
Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản xuất, HTX đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói rau an toàn với diện tích gần 100 m², kinh phí 300 triệu đồng, công suất hoạt động 100 kg/mẻ/15 phút.
Máy sục Ozon (tách dư lượng thuốc BVTV) cũng được HTX đầu tư. Nhờ đó, các khâu sản xuất đã được liên kết chặt chẽ thành quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ thành viên.
HTX chủ trương lấy thân thiện với môi trường làm nòng cốt phát triển |
Giải quyết bài toán môi trường
Nhà sơ chế của HTX được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo, bảo đảm ATVSTP. Nước sơ chế nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước thải được xây dựng bảo đảm vệ sinh và bảo vệ môi trường.
Các chất thải trong quá trình sơ chế được thu gom và xử lý thành phân hữu cơ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm ở khu vực sản xuất, nguồn nước và sản phẩm. Theo Ban giám đốc HTX, lượng rác thải từ khâu sơ chế chiến khoảng 60 - 70% lượng rác thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của HTX.
Việc chú trọng đầu tư khâu sơ chế nông sản không chỉ tiết kiệm được chi phí xử lý rác, giảm thiểu tác động môi trường mà còn tận dụng lượng rác thải từ hoạt động sơ chế làm phân xanh giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt, cải thiện giá trị nông sản… Đây cũng là thế mạnh để sản phẩm của HTX cạnh tranh trên thị trường.
Để khuyến khích thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm đầu ra và tăng sức cạnh tranh cho HTX, ông Triệu Công Đỉnh - Giám đốc HTX, cho biết HTX đề ra kế hoạch sản xuất cụ thể gắn với việc đa dạng hóa các chủng loại rau màu phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm tránh hiện tượng sản xuất cung vượt cầu, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, không đạt được hiệu quả kinh tế cao như mong muốn.
Việc chú trọng nguồn rau sạch kết hợp sơ chế tại nguồn đã từng bước mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên, đồng thời đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng trên thị trường.
Như Yến