Được Nhà nước hỗ trợ vốn kinh doanh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, các loại rau của HTX đều thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động (ATLĐ).
Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT HTX Long Mỹ chia sẻ: “Tháng 4/2014, HTX được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh và huyện Hòa Thành hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, hướng tới xây dựng nền sản xuất an toàn, tập trung”.
Kể từ đó tới nay, HTX tích cực củng cố hoạt động, phát triển đúng theo tôn chỉ đề ra nhằm mang lại lợi ích toàn diện về giá trị kinh tế và đảm bảo ATLĐ cho thành viên, đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tham gia mô hình sản xuất VietGAP, thành viên HTX và người nông dân được tập huấn kỹ thuật ứng dụng chuẩn VietGAP trên rau và được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng, không phun ngừa tràn lan, đảm bảo thời gian cách ly.
“Sản xuất an toàn trước hết đem lại sự an toàn “kép” cho người sản xuất và người tiêu dùng, sau đó là sự đảm bảo về lợi nhuận trên các vùng sản xuất. Kể từ năm 2016 tới nay, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 450 triệu đồng/ha/năm”, ông Bình nhấn mạnh.
Khu trồng đậu rồng an toàn theo chuẩn VietGAP của HTX |
Bên cạnh kỹ thuật sản xuất an toàn, thành viên HTX còn được trang bị hạ tầng cơ sở như nhà sơ chế, kho chứa vật tư, khu vực pha chế thuốc, bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật… với tổng kinh phí 116,6 triệu đồng; được hỗ trợ về vật tư như giống, phân bón, màng mũ, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng, có cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên và định kỳ.
Tháng 5/2016, HTX khai trương cửa hàng nông sản sạch tại cửa số 7 trung tâm thương mại Long Hoa (thị trấn Hòa Thành). Cửa hàng nông sản sạch của HTX ra đời góp phần tích cực vào sự hình thành và phát triển chuỗi những cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn huyện Hòa Thành.
“Sự ra đời của của cửa hàng nông sản sạch giúp HTX có nhiều điều kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thu hút các đối tác, từ đó mở rộng đầu ra, ổn định giá cả sản phẩm cho thành viên, người nông dân trên địa bàn”, ông Bình nói.
Ngoài ra, ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định được tầm quan trọng về chất lượng nhân lực. Những năm qua, HTX đã đưa cán bộ đi đào tạo nghiệp vụ kế toán, quản trị kinh doanh; đẩy mạnh tập huấn, nâng cao trình độ canh tác, khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ý thức về ATLĐ cho các hộ thành viên.
Ông Bình cho biết hoạt động của HTX đã và đang có được sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
“Tuy nhiên, HTX vẫn đang “khát” nhân lực có chuyên môn sâu về nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất. Nếu tỉnh có chủ trương đào tạo nhân lực, HTX sẽ cử người đi học ngành nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất bền vững hơn”, ông Bình khẳng định.
H.N