HTX đã áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất |
Trước đây, trên diện tích đất bãi của xã Lâm Xuyên, bà con thường trồng ngô, bí… cho hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, HTX Lâm Xuyên đã cùng bà con thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất lạc hàng hóa. Mặc dù sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường nhưng diện tích lạc của HTX vẫn cho năng suất cao, đạt 180kg lạc tươi/sào.
Hiệu quả từ cánh đồng mẫu lớn
HTX Lâm Xuyên đã phát triển diện tích lạc trên diện tích 5 ha, thực hiện cơ giới đồng bộ giúp giải phóng sức lao động và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống.
Để mang lại hiệu quả thiết thực, HTX đã vận động bà con phá bỏ bờ vùng, bờ thửa của 181 thửa đất, quy hoạch lại đồng ruộng còn 3 thửa, tạo thành cánh đồng lớn với diện tích 5 ha.
Các hộ đều sử dụng cùng một giống lạc, xuống đồng cùng thời điểm và cùng áp dụng các biện pháp thâm canh bằng máy móc đã giúp giảm công và chi phí trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Ông Dương Viết Mão-thành viên HTX, cho biết gia đình có 1.200 m2 trồng lạc. Hàng năm, từ khâu trồng đến thu hoạch đều phải thuê nhân công nhưng hiện nay, HTX đã đầu tư máy móc, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua tươi ngay tại ruộng đã giúp giảm nhân công nhưng năng suất vẫn đạt 180kg/sào, lợi nhuận thu được tăng 600.000/sào.
Khi tham gia sản xuất, người dân được doanh nghiệp hỗ trợ 100% về giống, vôi và phân bón nên chi phí đầu tư không nhiều.
Thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương phù hợp với cây lạc, thuận tiện cho việc theo dõi, chăm sóc cây trồng nên nhân dân yên tâm sản xuất.
Ban giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Lâm Xuyên cho biết, HTX đảm nhận toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, đến thu hoạch. Để làm được điều đó, HTX liên kết với các doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm. Theo thỏa thuận, sau thu hoạch, HTX chỉ thu 630.000 đồng/sào tiền phí dịch vụ, còn toàn bộ sản phẩm, người dân được hưởng.
“Dù sản xuất thế nào nhưng mục tiêu cuối cùng là phải mang lại lợi nhuận cho người dân. Có như vậy, họ mới tích cực sản xuất và gắn bó với HTX” - ông Đặng Xuân Giang, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Lâm Xuyên, cho biết.
Nền tảng bảo vệ môi trường
Mô hình trồng lạc hàng hóa trên cánh đồng lớn của HTX đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất manh mún, tiếp cận nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa của người dân địa phương, đồng thời liên kết được 4 nhà để sản xuất hiệu quả, bền vững.
Đây là cơ sở giúp địa phương tận dụng tối đa diện tích vùng bãi để tiếp tục mở rộng diện tích, đưa cây lạc trở thành cây hàng hóa cho giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định hiệu quả trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật – công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng , từ đó nâng cao giá trị kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Lâm Xuyên, trồng lạc có rất nhiều ưu điểm, như thời gian sinh trưởng ngắn, lợi nhuận cao, đầu ra ổn định, đặc biệt đây là cây họ đậu nên góp phần cải tạo đất sau mỗi vụ sản xuất. Cây lạc cũng thích hợp với vùng đất khó khăn về nước tưới như xã Lâm Xuyên.
Hàng năm, ngay từ đầu mùa vụ, ngoài việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch gọn vùng sản xuất thuận tiện cho việc tưới tiêu, HTX đã phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện... tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lạc cho bà con.
Từ đó, ý thức sản xuất của bà con đã đổi thay khi chú trọng sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân hóa học đã không còn vì quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ bởi đội ngũ cán bộ kĩ thuật của doanh nghiệp liên kết, từ đó góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Mô hình trồng lạc hàng hóa của HTX là tiền đề để địa phương tiếp tục nhân rộng khi góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.
Như Yến