Những năm trước đây, đói nghèo, nắng gió và mưa bão dường như “thâm căn cố đế” với người dân nơi đây. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu do sản xuất manh mún, thường chịu ảnh hưởng từ bão lũ, khô hạn nên hiệu quả không cao.
Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và được hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, người dân nơi đây đã nhận thấy chỉ có tham gia HTX, cùng nhau liên kết làm ăn theo hướng hàng hóa thì mới bớt khó khăn, nghèo đói.
Cuộc cách mạng trong sản xuất
Được sự tín nhiệm của chính quyền và người dân với vai trò hỗ trợ thành viên và người dân trong sản xuất nông nghiêp, HTX Kinh Môn đã thu hút được 300 thành viên, lấy cây thông là cây trồng chủ lực.
Để phát triển bền vững và có giá trị cao, HTX hiện đã trồng rừng theo tiêu chuẩn bền vững FSC (Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế). Được sự hỗ trợ từ tổ chức nước ngoài, sản phẩm bán ra thị trường có giá cao hơn 20 - 25%. Việc bán trực tiếp tới các nhà máy, không cần thông qua thương lái trung gian cũng giúp các hộ thành viên có thêm cơ hội ổn định đầu ra, tăng thu nhập.
Sau hơn chục năm trồng rừng, đến nay rừng thông của HTX đang trong giai đoạn thu hoạch nhựa. Năm cao nhất lợi nhuận thu từ việc bán nhựa thông mang về cho HTX 500 triệu đồng. Tính trung bình mỗi năm, HTX thu lợi nhuận 400 triệu đồng từ việc giao khoán khai thác nhựa thông. Đi cùng với đó là tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên và người dân.
Do được trồng và khai thác theo quy trình bền vững nên nhựa thông của HTX bảo đảm được hàm lượng colophan và các tinh chất khác, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, phục vụ của ngành công nghiệp sản xuất bo mạch điện tử cho các loại thiết bị cao cấp như điện thoại, màn hình tinh thể lỏng đời cao, hiện đại. Ngoài ra, nhựa thông của HTX còn được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm và các sản phẩm kết dính.
Nhờ trồng rừng bền vững, HTX đã mở rộng sản xuất. Ngoài trồng thông, HTX còn thực hiện trồng cao su. Tổng diện tích sản xuất của HTX đã lên đến 200 ha. Không những tạo việc làm và nâng cao đời sống của các thành viên, đến nay, 200 m đường, 4 km kênh mương được HTX đầu tư bê tông hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, đặc biệt là quá trình khai thác rừng. Đây là một trong những minh chứng cho sự thành công của HTX trong quá trình hoạt động theo hướng bền vững.
Gia tăng giá trị
Lựa chọn cây thông là cây trồng chủ lực vì theo Ban Giám đốc HTX đây là loài có sức chống chịu cao, sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng đất khô cằn, bị thoái hóa, rửa trôi mạnh. Đây cũng là loài cây gỗ lớn, đa mục đích, sống lâu năm. Ngoài thu hoạch nhựa, thông còn cho thu hoạch gỗ nên gia tăng được lợi ích kinh tế trên cùng một diện tích.
Thực hiện trồng theo tiêu chuẩn bền vững nên cây thông phải 15 năm trở lên mới được khai thác. Rừng thông bảo đảm phát triển xanh tốt và trở thành lá chắn bảo vệ đất đồi, làm tốt vai trò phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế thiệt hại từ thiên tai…
“Nếu khai thác non, đục đẽo quanh thân cây để lấy số lượng nhựa sẽ làm cây thông có thương tích đầy mình. Hậu quả là cây chết, không phát triển được, rừng thông trở nên nghèo kiệt”, ông Lê Hữu Quang - Giám đốc HTX, cho biết.
Để tăng năng suất, chất lượng, các thành viên và người dân đều được tập huấn kỹ thuật trồng, khai thác nhựa. Cách làm này đã góp phần nâng cao ý thức sản xuất bền vững đối với từng người. Anh Nguyễn Văn Tuế - thành viên HTX, cho biết: “Với những giá trị mà rừng đã mang lại, tôi sẽ bảo vệ rừng đang có tốt hơn và trồng thêm rừng mới”.
Trồng rừng cần rất nhiều thời gian và vốn. Chính vì vậy, để tạo điều kiện về vốn sản xuất kinh doanh cho các thành viên, hàng năm, HTX tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn theo hình thức tín dụng nội bộ lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay đến 500 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều thành viên đã có vốn mở rộng sản xuất. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của HTX đạt 27 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu của huyện đề ra. Toàn HTX có 25% hộ gia đình có thu nhập trên 200 trăm triệu đồng/năm, 10% hộ gia đình giàu có.
Huyền Trang