Với 1.000 ha rừng trồng, xã Vĩnh Chấp có tiềm năng lớn đối với việc tham gia trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Trong đó, HTX Chấp Lễ đến nay đã có 41 ha rừng của 20 hộ thành viên tham gia. Riêng năm 2016, 9 ha rừng trồng thực hiện thí điểm của mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Thay đổi tư duy
Khi tham gia mô hình này, các hộ trồng rừng được hỗ trợ 50% phân bón, hỗ trợ cây giống cũng như tham gia tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn.
Ban đầu, nhiều thành viên HTX chưa thực sự mặn mà với việc tham gia đầu tư, phát triển rừng gỗ lớn. Nguyên nhân là vì trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi phải có chu kỳ kinh doanh dài từ 8 đến trên 10 năm.
Trong khi đó, trồng rừng sản xuất bán gỗ dăm giấy với chu kỳ kinh doanh ngắn hơn, khả năng quay vòng vốn nhanh, thị trường tiêu thụ dễ dàng, có sự cạnh tranh cao hơn. Do vậy, xu hướng chung của nông dân quan tâm phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ dăm giấy nhiều hơn là trồng rừng gỗ lớn.
Mặt khác, địa phương có vị trí gần biển, nguy cơ cây đổ gãy do mưa bão là rất lớn nên nhiều hộ gia đình lo sợ rủi ro khi để rừng ở chu kỳ dài hơn. Tuy vậy, với quyết tâm tham gia mô hình để nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng rừng, HTX Chấp Lễ đã đứng ra đăng ký diện tích 41 ha tham gia mô hình trồng rừng theo chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc HTX, cho biết: “HXT vừa tiến hành khai thác 26 ha rừng trồng được 8 năm tuổi với sản lượng hơn 2.000 tấn, lợi nhuận được một tỷ đồng. Từ thực tế lợi nhuận mang lại từ gỗ rừng có chứng chỉ FSC hơn hẳn so với trồng rừng truyền thống 10 - 12%, nên nhiều thành viên HTX yên tâm, tin tưởng khi tham gia trồng rừng mô hình này”.
Để triển khai mô hình có hiệu quả, HTX đã tổ chức cho các hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn đi tham quan mô hình trồng rừng có chứng chỉ FSC hiệu quả của HTX Phú Hưng (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) nhằm học hỏi kinh nghiệm. Các mô hình ở đây có nhiều thuận lợi như chất đất tốt, thích hợp với trồng rừng hơn so với vùng đất cát như ở Vĩnh Chấp.
Kiểm tra tình hình phát triển cây của HTX |
Lợi ích cho môi trường
Theo tính toán, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Đơn cử như cây keo, với chu kỳ khai thác đến năm thứ 6 thì vẫn chỉ có thể bán làm dăm gỗ, làm trụ mỏ, giá trị chỉ đạt khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, nếu để 10 - 14 năm mới khai thác, đường kính cây trung bình đạt trên 18cm sẽ bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến, giá trị nâng lên khoảng 250 triệu đồng/ha. Trong năm 2018, giá gỗ có chứng chỉ FSC của các đơn vị thu mua từ các hội viên đạt 1,3 đến gần 1,5 triệu đồng/tấn.
Lợi ích của trồng rừng gỗ lớn không chỉ là giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất, rừng có khả năng sinh thủy bảo đảm mực nước an toàn cho các hồ, đập và góp phần bảo vệ môi trường.
Tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, người dân và các thành viên phải ký cam kết không được phá rừng, không đốt rừng khi trồng mới… nên diện tích rừng ngày càng mở rộng. Mặt khác, trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC quy mô nhóm hộ, nông hộ là cơ hội để sản phẩm gỗ rừng trồng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, người dân không phải lo nhiều về đầu ra.
Mô hình trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu.
Để nhân rộng mô hình này, cần tăng cường các nguồn lực và sự hỗ trợ của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm, như bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng rừng trên địa bàn tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.
Hà Xuyên