Theo Ban giám đốc HTX Hoa Ban, việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện có nguy cơ làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, cản trở dòng chảy và gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, ngay từ khi đi vào sản xuất, HTX đã chú trọng lựa chọn quy trình VietGAP để phát triển theo hướng bền vững.
Nói không với ô nhiễm môi trường
HTX Hoa Ban đang có 166 lồng cá các loại như trắm, lăng, nheo... Trung bình mỗi lồng cá có diện tích gần 20m2. Để bảo đảm cho quá trình sản xuất hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài, HTX đã phối hợp với các cơ quan chức năng, hướng dẫn thành viên nuôi trồng một cách khoa học, đặt lồng cá ở những nơi không ảnh hưởng đến dòng chảy của hồ thủy điện.
Nếu như trước kia, tại địa bàn xã vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng hồ, xả rác bừa bãi, đánh bắt theo hướng hủy diệt thủy sản trong hồ, thì nay, HTX đã luôn nhắc nhở thành viên phải chú trọng sản xuất theo hướng bền vững, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật đi đôi với bảo vệ môi trường, tránh tình trạng suy thoái, cản trở dòng nước, gây ô nhiễm môi trường.
Anh Đặng Văn Đóa, thành viên HTX, cho biết nếu như trước kia, gia đình anh chưa chú ý đến việc dọn dẹp thu gom rác khi vệ sinh lồng cá thì bây giờ, sau khi vào HTX, anh và các thành viên đều hiểu rõ vai trò của việc bảo vệ môi trường.
Vệ sinh lồng cá định kỳ giúp hạn chế sô nhiễm môi trường |
Anh Đóa, chia sẻ: “Nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước kia, do chưa được tuyên truyền, hướng dẫn, chúng tôi cứ xả rác thải bừa bãi và nghĩ rằng không ảnh hưởng gì đến môi trường, nguồn nước”.
Tuy nhiên, sau khi được HTX phổ biến, hướng dẫn cụ thể về việc giữ nguồn nước trong sạch cho nuôi trồng thủy sản và cho vùng hạ du, gia đình anh và mọi người ý thức rất rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường, khi nuôi cá không sử dụng chất cấm, thường xuyên dọn dẹp lòng hồ giống như việc dọn dẹp nhà cửa vậy.
Theo quy trình VietGAP, HTX đều phải trải qua các xét nghiệm, phân tích chất lượng nước. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chất lượng nước lòng hỗ thủy điện HTX đặt các lồng cá sản đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Điều này cho thấy, việc nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo đúng quy trình chuẩn, hiện tượng khai thác thủy sản tận diệt không xảy ra. Chính vì vậy, sản phẩm của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Nhận thấy, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện là nghề tiềm năng nên hàng năm, HTX kết hợp cùng địa phương tổ chức các đợt ra quân với lực lượng nòng cốt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... tiến hành thu dọn rác thải, phát quang cây cối xung quanh khu vực hồ thủy điện. Đồng thời, tích cực phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất khoa học để người dân học tập và áp dụng vào thực tiễn.
Tiềm năng phát triển
Hiện nay, các thành viên sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương, như: sắn, cỏ voi, bột ngô, lá chuối... làm thức ăn cho cá. HTX cũng vận động thành viên dồn điền đổi thửa, thực hiện trồng cỏ voi, đầu tư máy chế biến thức ăn cho cá.
Việc này không chỉ nâng chất lượng sản phẩm mà còn giúp tiết kiệm chi phí. Theo tính toán, trên thị trường 1 bao cám viên 25 kg có giá 300 nghìn đồng, nếu đầu tư máy chế biến thức ăn, chi phí sẽ giảm xuống còn 230 nghìn đồng. Đây là điều kiện cho thành viên có thêm kinh phí đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
HTX đang áp dụng quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng của mô hình nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện |
Để cá phát triển, cho năng suất và chất lượng cao, HTX ký hợp đồng dịch vụ đầu vào với các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, các thành viên thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc cá, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra đàn cá để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời.
Trung bình mỗi lồng, HTX thu được 250-300 kg cá thương phẩm/năm. Sau khi trừ hết chi phí, bình quân thu nhập của thành viên HTX đạt 100-300 triệu đồng/năm.
Anh Lò Văn Mẳn, thành viên HTX, chia sẻ tham gia HTX mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Anh được các thành viên có kinh nghiệm hướng dẫn cách làm lồng kiên cố, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là được tư vấn lựa chọn nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao. Từ 2 lồng cá, đến nay, gia đình anh có 9 lồng cá. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Từ thực tế cho thấy, việc phát triển nuôi cá lồng của HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên, đồng thời giải quyết được bài toán bảo vệ môi trường. Thời gian tới, HTX rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tiếp tục hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ để phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.
Như Yến