Các thành viên đã gắn sản xuất với bảo vệ môi trường |
HTX nuôi cá lồng bè Hải Tiến thành lập với mục tiêu ban đầu là "hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất" đảm bảo quyền và lợi ích kinh tế của hội viên nông dân. Sau thời gian phát triển và đạt được những hiệu quả nhất định, ý thức các thành viên đã nâng lên khi gắn liền sản xuất với bảo vệ môi trường vùng nuôi, bảo vệ tài sản chung.
Phát triển bền vững
Sản phẩm sản xuất chính của HTX Hải Tiến là các loài cá có giá trị kinh tế cao (cá chẽm, cá mú, cá hồng mỹ…). Ngay từ việc mua con giống, vật tư phục vụ cho nuôi trồng được HTX liên kết đúng địa chỉ tin cậy, bảo vệ quyền lợi cho mỗi thành viên.
Trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, HTX chủ động họp bàn với các thành viên nâng cao ý thức bảo vệ thủy hải hải sản nuôi trồng; đồng thời có ý thức trông coi tài sản của các hộ thành viên bên cạnh.
Với số vốn đóng góp, HTX đầu tư bè mảng, con giống, vật tư nuôi trồng mỗi hộ từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng để phát triển kinh tế. HTX cũng chú trọng sử dụng lồng nuôi làm bằng sắt ống, kết phao nổi và bọc lưới. Phần phao nổi sử dụng thùng phi sắt tráng kẽm hoặc nhựa thay cho việc sử dụng các loại phao xốp làm ô nhiễm môi trường như một số địa phương khác.
Đến nay, HTX nuôi cá lồng bè Hải Tiến nổi lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Thạch Hà với doanh thu 2,5-3 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ sự hợp tác, cùng nhau làm kinh tế, đến nay, hầu hết các thành viên có doanh thu bình quân 500 triệu đồng/năm, đặc biệt có những hộ đạt 2 tỷ đồng/năm...
Sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ tại các chợ và nhà hàng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Giờ đây, các thành viên hoàn toàn tin tưởng vào HTX. Nhiều hộ nuôi trồng khác cũng quan tâm và muốn tham gia vào mô hình này.
Làm chủ kỹ thuật
Cá chẽm, cá mú và cá hồng mỹ… được HTX lựa chọn là vật nuôi chính vì phù hợp với điều kiện của vùng nuôi, có giá trị kinh tế cao...
Để mang lại hiệu quả, HTX đã mời cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn và theo sát quá trình sản xuất của HTX. HTX chọn nơi có nguồn nước sạch, thông thoáng, sạch sẽ, không bị nhiễm phèn, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và công nghiệp để đặt lồng tập trung.
Khoảng cách từ đáy lồng xuống đáy hồ đạt độ sâu tối thiểu 0,5-1m. Khoảng cách lồng đặt cách bờ từ 3 - 5m. Khoảng cách giữa các cụm lồng tối thiểu từ 150 - 200m và được đặt so le để hạn chế va đập khi mưa bão và hạn chế lây lan dịch bệnh.
Đối với nguồn cám công nghiệp, HTX đã liên kết được với doanh nghiệp, mua trực tiếp với số lượng lớn nên tiết kiệm 5-7% chi phí. Ngoài cám, HTX bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên là cá tạp (cá mối, cá cơm, cá trích, cá liệt…) để nâng cao chất lượng cá. Số lần cho ăn khoảng 3-6 lần/ngày theo lượng nhất định ở từng giai đoạn phát triển của cá để hạn chế thức ăn dư thừa gây ô nhiễm. HTX cũng thường xuyên vệ sinh, cọ rửa lưới, khung lồng để bảo đảm môi trường sống cho thủy sản.
Theo định kỳ, HTX phân loại cỡ cá nuôi và điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp, hạn chế hiện tượng cá ăn thịt lẫn nhau gây hao hụt. 10 ngày, HTX sử dụng vitamin C và khoáng trộn và men tiêu hóa vào thức ăn để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá . Các thành viên còn treo túi vôi ở góc lồng để hạn chế mầm bệnh, ổn định môi trường.
Nhờ sinh trưởng trong môi trường nước sạch, thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, thịt cá thương phẩm của HTX cho vị ngọt béo, thơm đậm đà; thớ thịt chắc không bở hay nát như thịt cá nuôi công nghiệp. Ngoài ra, khi nấu chín, thịt cá có mùi thơm đặc trưng do nguồn nước nuôi sạch sẽ.
Với cách làm trên, cá của HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản kiểm định, chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất ra thị trường.
Việc chú trọng khoa học gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái đã giúp HTX khai thác địa những lợi thế tự nhiên để phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.
Như Yến