Hiện, HTX đã có hệ thống khung dệt mới thay cho những khung dệt cũ và mời nghệ nhân về dạy nghề để nâng cao tay nghề cho các thành viên và người lao động.
Phát triển nghề truyền thống
Được sự giúp đỡ của chính quyền xã Ea Tul, HTX Nông nghiệp dịch vụ thổ cẩm xã Ea Tul được thành lập năm 2006. Từ những sản phẩm thổ cẩm đơn giản như túi sách, ví… đến nay, HTX đã có thể tạo ra những sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế như váy, áo truyền thống, chăn thổ cẩm… để phục vụ khách hàng.
HTX đã đầu tư hệ thống máy xếp sợi, máy quấn thoi và máy dệt. Theo Ban Giám đốc HTX, đầu tư máy móc sẽ giúp sản phẩm có chất lượng tương đương, thậm chí vải dệt đều hơn. Mỗi ngày, 1 máy dệt có thể làm ra khoảng 20m vải, năng suất cao hơn hàng chục lần so với dệt thủ công.
Để tìm được đầu ra, HTX đi nhiều nơi để giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, tiệm may, quầy lưu niệm...
Với tâm huyết và sự kiên trì, sản phẩm của HTX đã dần chiếm được lòng tin của khách hàng bởi có chất lượng tốt, mẫu mã sản phẩm được cải tiến với nhiều hoa văn lạ hơn, giá thành hợp lý… Hiện, HTX đã tìm được đầu ra tương đối ổn định ở thị trường Đăk Lăk, Đăk Nông, Tp.HCM, Đà Nẵng…
Giám đốc HTX - bà H’Jih Ayun, cho biết: “Mỗi sản phẩm thổ cẩm không chỉ cần bàn tay khéo léo của người dệt, mà còn đòi hỏi đầu tư nhiều công sức và thời gian để hoàn thành. Vì vậy, người dệt thổ cẩm phải ý thức được điều đó, có như vậy sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng và văn hóa truyền thống của dân tộc mới không bị mai một”.
Nhờ làm tốt công tác quảng bá, sản phẩm của HTX đã ổn định đầu ra. HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 17 thành viên và gần 100 lao động thời vụ với mức thu nhập 2 - 2,2 triệu đồng/người/tháng. Chị H’Yam chia sẻ: “Với mức thu nhập như hiện nay, HTX đã giúp nhiều chị em trong xã thoát nghèo, đồng thời góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc không bị mai một theo thời gian”.
Không chỉ chú trọng phát triển, từ năm 2008 đến nay, những thành viên có tay nghề cao của HTX còn tham gia dạy hơn 300 học viên trong huyện về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê, qua đó giúp phát triển nghề dệt truyền thống tại địa phương.
Dạy nghề cho thế hệ trẻ, duy trì nghề truyền thống của dân tộc
Tận dụng trong sản xuất
Theo bà H’Jih Ayun, trong sản xuất không thể tránh khỏi có những sản phẩm lỗi, nhưng HTX đã tận dụng những sản phẩm đó để sản xuất thành những sản phẩm khác: túi xách, vòng tay, vòng tai, khăn… để nâng cao thu nhập. “Nếu không tận dụng những mảnh vải vụn, vải lỗi, số vải bỏ đi sẽ rất lớn, làm ảnh hưởng đến môi trường lại rất phí”, Giám đốc H’Jih Ayun cho biết.
Sản phẩm của HTX luôn bảo đảm chất lượng vì được làm từ tơ, sợi, không dùng hóa chất và được nhuộm màu hoàn toàn tự nhiên. Phương pháp này tuy mất nhiều thời gian, nhưng ngược lại có độ bền cao, lâu phai và an toàn cho người dùng.
Để mở rộng sản xuất, HTX đang đẩy mạnh tận dụng vải vụn, vải lỗi để làm những vật dụng phục vụ cuộc sống như gối, đệm, chăn, thảm… Đây không chỉ thể hiện tính sáng tạo, mà còn thể hiện tình yêu của những người con dân tộc Ê Đê trên mỗi sản phẩm.
Những sản phẩm thổ cẩm của HTX không chỉ hiện diện trong đời sống thường ngày của đồng bào người Ê Đê, mà còn được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước biết đến.
Để những sản phẩm được kết tinh từ đôi tay tài hoa và công sức miệt mài của người dệt thổ cẩm được bảo tồn cùng với dòng chảy của thời gian, HTX mong muốn những thế hệ trẻ trong các buôn làng tích cực tham gia HTX để hiểu được giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm, qua đó gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.
Như Yến