Điểm chung của những triệu phú vùng biên là họ luôn chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, tăng giá trị sử dụng đất. Liên kết thành lập HTX để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều mô hình của nông dân đã được chọn làm điểm để quảng bá, nhân rộng, là địa chỉ để người dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Cách đây 5 năm, 15 hộ dân ở xã Chiềng Sơ đã thành lập HTX rau củ quả Hải Nhung chuyên sản xuất, kinh doanh rau màu. Mở rộng diện tích sản xuất, HTX còn liên kết với hơn 300 hội viên nông dân ở các xã Chiềng Sơ, Yên Hưng, Bó Sinh, Nà Nghịu, Đứa Mòn... trồng bí đao.
Anh Triệu Tài Hải, Giám đốc HTX, cho biết: Quá trình sản xuất, HTX phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình sản xuất VietGAP. Đến nay, toàn bộ diện tích bí đao đạt tiêu chuẩn VietGAP; thu nhập bình quân của thành viên, hộ liên kết đạt 10 triệu đồng/tháng.
Nhiều hộ dân đã liên kết thành lập HTX để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo. |
Các sản phẩm của HTX chủ yếu được phân phối ở các chợ đầu mối tại một số tỉnh phía Bắc. Dự kiến hết năm 2023, sản lượng rau, củ, quả của HTX đạt trên 3.000 tấn, tổng doanh thu đạt hơn 20 tỷ đồng. HTX còn tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ khi là thành viên HTX rau củ quả Hải Nhung, anh Lò Văn Chanh, bản Phương Pe, xã Chiềng Sơ đã có nguồn thu nhập cao từ trồng ngô ngọt, bí xanh trên 2.000 m² ruộng lúa của gia đình. Anh Chanh chia sẻ: Ruộng ở đây ít nước, nên một năm chỉ trồng được 1 vụ lúa, từ khi chuyển đổi sang trồng ngô ngọt, bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Ngoài việc cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, chúng tôi còn được HTX hướng dẫn chi tiết từ quy trình trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản đúng cách, mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng từ trồng ngô và bí, từ hộ nghèo giờ gia đình tôi đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Quang Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Việc chuyển đổi từ cây lúa trên ruộng thiếu nước sang cây trồng khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương không những cho thu nhập vượt trội mà còn giải quyết được vấn đề bỏ đất hoang, áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại và cải tạo đất, nâng cao năng suất cho vụ sau. HTX Hải Nhung là đơn vị tiên phong, tiêu biểu trong việc chuyển đổi và đưa các loại cây trồng hiệu quả cao vào sản xuất ở ruộng cạn. Phòng sẽ tham mưu cho huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi nhằm từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao.
Đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay, trên địa bàn huyện vùng biên Sông Mã, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã tham gia liên kết thành lập các HTX, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Đến nay, toàn huyện có hơn 70 HTX, 1 Liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả,
Các HTX đã được hướng dẫn, hỗ trợ quảng bá xúc tiến thương mại đối với sản phẩm chủ lực của huyện, như: nhãn quả, long nhãn, xoài và các sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, voso.vn...
HTX phát triển đúng hướng và hiệu quả hơn, nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các HTX đổi mới về tổ chức, hoạt động để thích ứng với cơ chế thị trường. Hiện nay, doanh thu bình quân của một HTX trên địa bàn huyện Sông Mã đạt trên 1,3 tỷ đồng/năm và lãi bình quân của một HTX là 130 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho thành viên các HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/người/năm.
Sự thay đổi trong tập quán canh tác, áp dụng phương thức sản xuất mới, tiên tiến của nông dân huyện Sông Mã phù hợp với thời đại nông nghiệp, nông dân số, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Anh Bùi Văn Hậu, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương chia sẻ, nhằm nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích đất sản xuất, HTX đầu tư hệ thống tưới nước vảy gốc; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, HTX có 5 ha nhãn T6 và 10 ha nhãn miền. Vụ nhãn năm 2023, thu 75 tấn nhãn chín sớm, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg; nhãn chính vụ thu 200 tấn, giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg.
Kinh tế HTX ở huyện vùng biên Sông Mã đã tạo việc làm ổn định cho người lao động. |
“HTX tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm. Theo tính toán, vụ nhãn năm nay, HTX thu hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài bán hàng truyền thống, HTX đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản qua các trang mạng. Nhờ đó, sản phẩm của các thành viên được tiêu thụ nhanh chóng”, anh Hậu thông tin.
Phát huy thế mạnh địa phương
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, mô hình kinh tế tập thể, HTX ở huyện Sông Mã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy vai trò của mình trong gắn kết người nông dân với thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn. Qua đó, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Nhờ tích cực trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà các HTX đã góp phần quan trọng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa sản xuất nông nghiệp của huyện từ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGap, Organic.
Trong năm 2023, huyện đã tiêu thụ được trên 60 nghìn tấn nhãn, 12 nghìn tấn xoài, trong đó xuất khẩu được 504 tấn Nhãn và 109 tấn xoài. Cùng với đó các HTX còn xây dựng nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: dứa Quee, Ngô Ngọt, quế, Bò lai sind, ..... Xây dựng sản phẩm mật ong Quyết Thắng Sông Mã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Có thể khẳng định rằng, mô hình kinh tế tập thể, kinh tế HTX nông nghiệp ở huyện vùng biên Sông Mã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và xóa đói, giảm nghèo.
Đoàn Huyền