HTX Dịch vụ Hoàng Phát thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Tp.Móng Cái. Tổng lượng rác thải phải xử lý hàng ngày của HTX giao động 15 - 20 tấn.
Do hạn chế về tài chính, HTX chưa có điều kiện để đầu tư đồng bộ các trang thiết bị, phương tiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải.
Xử lý 15 - 20 tấn rác thải mỗi ngày
Khảo sát và đánh giá quy trình thu gom phân loại và xử lý rác thải của HTX, có thể thấy một lượng lớn nguồn chất thải có thể tận dụng được để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã bị lãng phí.
Với đặc thù sản xuất của HTX là dịch vụ môi trường kết hợp với sản xuất nông nghiệp nên toàn bộ rác thải sinh hoạt sau khi phân loại, thu gom, được tập kết để xử lý. Rác thải hữu cơ được xử lý làm phân phục vụ sản xuất nông nghiệp, rác thải vô cơ được vận chuyển đến điểm xử lý rác thải của huyện.
Theo Ths. Lê Tuấn An (Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường - COSTE), việc HTX phải thu gom và xử lý một lượng lớn các chất thải phát sinh trong sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là lượng chất thải hữu cơ phát sinh từ sản xuất (phụ phẩm nông nghiệp, nguồn thực phẩm quá hạn) với khối lượng 30 tấn/ngày bằng biện pháp chôn lấp tạm thời, điều này sẽ gây ra nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Trong khi đó, nguồn chất thải này có thể tận dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ sinh học phục vụ nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Để có thể tận dụng nguồn chất thải vào sản xuất thành phân hữu cơ sinh học, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường đã tiến hành hỗ trợ một số thiết bị, máy móc như băng tải, máy khâu bao, máy nghiền, máy cắt, máy trộn, máy tạo viên cho HTX, nhằm xây dựng mô hình xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp.
Dây chuyền xử lý rác thải thành phân hữu cơ |
Hiệu quả và khả năng nhân rộng
Nội dung hỗ trợ tập trung chủ yếu vào xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ cho thành viên HTX; hướng dẫn kỹ thuật vận hành dây chuyền thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp cho cán bộ kỹ thuật của HTX.
Đánh giá về hiệu quả mô hình ứng dụng tại HTX Hoàng Phát, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị cho biết: “Xu thế sản xuất của phân hữu cơ rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay. Phương pháp này có ý nghĩa cả về mặt thực tiễn và khoa học, cần được nhân rộng”.
Với sự chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của Liên minh HTX Việt Nam, sự cố gắng nỗ lực của nhóm thực hiện nhiệm vụ của COSTE, sau một thời gian nghiên cứu, quy trình xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ sinh học tại HTX đã được hoàn thiện.
So với những công nghệ đã triển khai trước đây, công nghệ này có những đặc tính dễ nhân rộng. Các chế phẩm sinh học sử dụng để xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp hoàn toàn được sản xuất trong nước với quy trình tổng hợp hoàn chỉnh, đảm bảo cả về chất lượng và khối lượng. Địa phương nào cũng có thể mua hoặc tự làm được.
Công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với quy mô nhỏ. Quá trình sinh khối áp dụng phương pháp lên men kỵ khí đơn giản, rẻ tiền, bằng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như bùn, đất sét, rơm rạ, nilon...
Các thiết bị của dây chuyền sử dụng để xử lý hoàn toàn có sẵn trong nước rất thông dụng, rẻ tiền, vận hành đơn giản, kích thước gọn nhẹ (máy cắt nguyên liệu, máy khâu bao, băng tải,......), sử dụng điện lưới bình thường.
Bất kỳ địa phương nào cũng có thể sử dụng được các loại phế thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ, phế thải ngành thuỷ hải sản, các loại phân động vật để sản xuất phân hữu cơ sinh học.
Chất nền của công nghệ này là phế thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ - khối lượng rất dồi dào ở mọi nơi trong cả nước - chứ không phải là than bùn như các công nghệ khác.
Do đó có thể nhân rộng ở tất cả các địa phương khác trên cả nước, đây là một trong nhiều đặc điểm để nhân rộng mô hình ra các khu vực.
Hà Xuyên