Thành lập năm 2006, HTX Hợp Thịnh hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt với số vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Đến nay, Hợp Thịnh đã trở thành một trong những HTX hàng đầu của huyện Cao Lộc, với mô hình nuôi lợn an toàn trị giá đầu tư gần 43,5 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hợp Thịnh Lý Bích Linh cho biết: HTX đang có đàn lợn nái giống Landrace lên tới 800 con. Toàn bộ hệ thống chuồng nuôi được xây theo kiểu chuồng kín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kể từ năm 2017 đến nay, HTX Hợp Thịnh tìm ra một hướng đi mới là liên kiết với các HTX, tổ hợp tác để trồng và phát triển vùng dược liệu. Điển hình là liên kết phát triển 1,7ha nghệ đen với HTX Đại Phúc (xã Việt Yên, huyện Văn Quan).
Ông Nông Văn Thiên, Giám đốc HTX Đại Phúc cho biết: “Chính thức thành lập vào năm 2018, tài sản lớn nhất của HTX là lực lượng lao động và đất canh tác, nhưng lại không có nhiều vốn, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật và thị trường. Điểm yếu của Đại Phúc lại là điểm mạnh của Hợp Thịnh, vì vậy, 2 HTX đã liên kết với nhau để cùng phát triển”.
Trong chuỗi liên kết, HTX Hợp Thịnh đóng vai trò hỗ trợ cây giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, HTX Đại Phúc phụ trách điều hành sản xuất, bỏ công chăm sóc. Kết quả, trung bình mỗi sào nghệ đen cho năng suất 1,5-1,8 tấn, HTX Hợp Thịnh hợp đồng thu mua với giá thấp nhất từ 7.000 đồng/kg. Ước tính, mỗi sào (360m2/sào) nghệ đen cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/vụ.
“Trước đây, diện tích đất của HTX chủ yếu trồng ngô, tính ra mỗi sào được 1,4 - 1,6 triệu đồng/vụ. Với cây nghệ đen, thu nhập của thành viên gia tăng đáng kể. Đặc biệt, trên nền tảng sản xuất khoa học, các yếu tố về ATLĐ, vệ sinh môi trường được nâng cao, mang lại những giá trị “kép” cho thành viên, người lao động”, ông Thiên nhấn mạnh.
Liên kết giúp các HTX nông nghiệp tại Lạng Sơn gặt hái nhiều thành công |
Ngoài HTX Đại Phúc, HTX Hợp Thịnh còn liên kết với hơn 20 HTX và tổ hợp tác ở 8 huyện, thành phố. Điển hình như mô hình liên kết trồng cây hoàn ngọc ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX nông sản sạch Tràng Định; mô hình liên kết chăn nuôi với HTX Nà Pái – Giao Thủy (xã Tân Văn, huyện Bình Gia)…
Không chỉ hình thành liên kết giữa các HTX trong tỉnh, nhiều HTX đã mở rộng liên kết với các HTX ngoài tỉnh để có hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như HTX Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn) liên kết với HTX ở các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng… Nổi bật trong liên kết chính là ứng dụng khoa học kỹ thuật của HTX tỉnh bạn trong nuôi cá, sử dụng chế phẩm sinh học, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Không chỉ giảm chi phí sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, HTX còn đảm bảo tốt các quy định về ATLĐ, nâng cao an toàn, sức khỏe cho thành viên trong quá trình sản xuất. Từ HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, đến nay, doanh thu trung bình của HTX đạt gần 2 tỷ đồng/năm.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 100 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 50 HTX có liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vi Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ nên việc liên kết sản xuất là bước ngoặt quan trọng để HTX có thể tương hỗ, giúp đỡ nhau cùng vươn lên.
Hoàng Châu