Theo UBND huyện, Tân Sơn hiện đã chính thức thoát khỏi danh sách huyện đặc biệt khó khăn của cả nước. Kết quả này đến từ những thành công vượt bậc trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, trong đó có việc chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
Giúp nhau phát triển kinh tế
Nhận thấy vai trò “bà đỡ” của các mô hình tế hợp tác trong công tác giảm nghèo, thời gian qua, huyện Tân Sơn đã tạo điều kiện cho các HTX được tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ưu tiên giao quỹ đất công ích cho HTX quản lý, tổ chức sản xuất trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật HTX 2012.
Diện tích chè của HTX Long Cốc |
Hàng năm, huyện còn lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp trong trồng rừng sản xuất, trồng lúa chất lượng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện…) phục vụ sản xuất.
Đến nay, 100% HTX trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 63%, kênh mương thủy lợi được cứng hóa đạt 40%.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các HTX trong việc đưa các giống mới năng suất cao vào nuôi trồng và nhân rộng các mô hình trình diễn. Đáng chú ý, ở những xã có làng nghề như: Mỹ Thuận, Văn Luông, Kim Thượng, huyện đều khuyến khích thành lập HTX để phát triển các sản phẩm thế mạnh như: Chế biến gỗ, chè, chăn nuôi gà nhiều cựa, dệt thổ cẩm phục vụ du khách tham quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn… Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của HTX cũng ngày càng được chú trọng.
Đến nay, không ít HTX đã trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của tỉnh. Các thành viên trong HTX không chỉ thay đổi nhận thức, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn cùng nhau hỗ trợ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cùng phát triển kinh tế và thoát nghèo.
Tiêu biểu như HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc đã phát triển các giống chè: Bát Tiên, Kim Tuyên, Shan tuyết, TR 05… theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.
Bằng sự nhạy bén, năng động nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, HTX đã đưa ra thị trường các sản phẩm chè xanh chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, trên bao bì đều có mã vạch truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin tưởng và có tính cạnh tranh cao.
Với 12ha đất trồng chè, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường 5-6 tấn sản phẩm chè xanh, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Phạm Thị Hạnh-Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc-cho biết: Hiện, sản phẩm chè xanh của HTX đã được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. HTX đang xây dựng mô hình du lịch tham quan đồi chè kết hợp với trải nghiệm thực tế trong thu hái, chế biến sản phẩm và mở rộng diện tích trồng chè lên 40ha vào cuối năm 2020.
HTX không chỉ phát triển vùng chè địa phương mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động, là điều kiện để nhiều người có việc làm và thoát nghèo.
Tân Sơn đã hình thành nhiều mô hình kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa |
Ngoài HTX Long Cốc còn có các HTX hoạt động kinh doanh hiệu quả trên địa bàn huyện như: HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Cường Thịnh, HTX dịch vụ Minh Đài… Theo Liên minh HTX tỉnh, đến hết 2019, toàn huyện Tân Sơn có 15 tổ hợp tác, 28 HTX đang hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, vệ sinh môi trường, thu hút gần 1.100 thành viên tham gia với tổng nguồn vốn hoạt động hơn 63 tỷ đồng. Các tổ hợp tác, HTX đã mang lại thu nhập bình quân người lao động đạt 3-3,5 triệu đồng/tháng, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững.
Kết quả khả quan
Sự hoạt động hiệu quả của các mô hình kinh tế hợp tác đã giúp giải quyết việc làm và thoát nghèo cho hàng trăm lao động cũng như 183 hộ gia đình mỗi năm. Liên minh HTX tỉnh cũng tạo điều kiện cho các thành viên HTX vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo nên có không ít hộ đã chủ động sản xuất.
Việc chú trọng phát triển kinh tế tập thể cũng mang lại nhiều lợi ích tích cực khi các HTX chung tay cùng địa phương phát triển hệ thống giao thông, thủy nội đồng. Các mô hình sản xuất của các HTX còn chú trọng ứng dụng kỹ thuật VietGAP, sản xuất theo chuỗi nên còn góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế địa phương theo hướng hàng hóa.
Giờ đây, cơ sở hạ tầng, điện, giáo dục, y tế, chợ nông thôn… trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại. Tỷ lệ xã có đường nhựa vào đến trung tâm đạt 100%; đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 60%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia trên 95%. Tân Sơn trở thành một trong những huyện có diện tích cây chè lớn nhất tỉnh với trên 3.000ha, năng suất tăng từ 80 tạ/ha lên 102 tạ/ha; độ che phủ rừng đạt trên 61%.
Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự thay đổi căn bản, đến nay tỷ lệ lúa lai toàn huyện chiếm trên 60%, tỷ lệ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất, thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp đạt trên 50%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2019 toàn huyện đạt 23 triệu đồng. Đây là những nền tảng quan trọng đưa huyện thoát nghèo thành công.
Huyền Trang