Năm 2015, HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012, tính đến cuối năm 2020, HTX có 253 thành viên, với số vốn điều lệ trên 700 triệu đồng. Qua nhiều năm hoạt động, HTX đã tích lũy và mua sắm tài sản cố định trên 4,3 tỷ đồng. HTX đang tập trung vào 6 dịch vụ chính: bơm tưới, bơm tiêu; nạo vét cơ giới; tín dụng nội bộ; nước sinh hoạt; cuốn rơm; cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đưa sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
Sản xuất lúa của HTX Chợ Vàm từng gặp khó khăn do lũ lụt, thiên tai nên việc chuyển hướng sang trồng lúa bền vững chính là bước ngoặt giải quyết tình trạng mùa trúng, mùa không.
Theo các thành viên, trước đây, do canh tác liên tục, sâu bệnh cũng nhiều, phân, thuốc tăng thêm... Vì vậy, dẫu sản xuất quanh năm nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Nhiêu người gắn bó với cây lúa cũng có những lúc nản lòng. Chính vì lẽ đó, khi bắt tay vào sản xuất lúa bền vững, nhiều hộ cũng chưa thiết tha mà chỉ tham gia lấy lệ. Trong khi sản xuất theo hướng bền vững cũng là lúc người dân phải áp dụng hàng loạt các nguyên tắc mới.
Theo đó, thành viên phải sử dụng giống xác nhận, chi phí đắt hơn nhiều so với tập quán canh tác truyền thống. Vừa canh tác, ai nấy đều lo lắng vì từ khâu bơm tưới nước đến khâu xịt thuốc, bón phân cũng phải theo nguyên tắc “4 đúng” hay “3 giảm 3 tăng”.
Lúa sau khi thu hoạch đều có đơn vị thu mua đến tận nơi vận chuyển. |
Tuy nhiên, vụ đầu tiên, năng suất từ sản xuất lúa bền vững đạt khoảng 7,6 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất thông thường khoảng 2 tấn. Đây chính là động lực để thành viên tiếp tục sản xuất.
Đến nay, các hộ đã thay đổi tư duy, cách tổ chức canh tác, quản lý nguồn nước, giảm phân bón nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học chính là cách HTX thu hút được doanh nghiệp vào liên kết bao tiêu và hỗ trợ sản xuất nhằm ổn định về giá cả, sản lượng cho bà con. Đó cũng là đích đến cuối cùng của quá trình sản xuất.
Hiện, HTX Chợ Vàm là một đơn vị sản xuất hiệu quả với những cánh đồng lúa lớn. Với tổng 1.156 ha lúa, Chợ Vàm đứng đầu huyện Phú Tân về sản xuất lúa hàng hóa. Do đảm bảo chất lượng nên đến vụ thu hoạch, xe tải, ghe xếp hàng, sẵn sàng vận chuyển lúa tươi. Các thành viên sẽ nhận được tiền ngay tại ruộng.
Trồng lúa bền vững không những thu được nguồn thực phẩm an toàn với giá bán cao hơn mà còn giúp giảm ảnh hưởng xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng. Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân còn có thêm thành phẩm phụ là những con cá, tôm sinh sống ngay trong ruộng. Đây là điều không hề xảy ra khi người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.
“Bà đỡ” cho thành viên
Nhằm giúp thành viên yên tâm sản xuất, HTX đã đầu tư 10 trạm bơm đôi với công suất lớn bố trí khắp thị trấn Chợ Vàm phục vụ sản xuất lúa. Vào mùa cao điểm, các máy bơm hoạt động hết công suất phục vụ tát, tháo nước chống úng.
Một dịch vụ mà vừa giúp HTX mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường nữa đó là buôn bán rơm. Nếu như trước đây, người dân phải đốt bỏ rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí thì vài năm trở lại đây do được HTX đầu tư máy móc, thu gom thuận tiện nên rơm đã trở thành hàng hóa được buôn bán nhộn nhịp mỗi khi thu hoạch vụ mùa.
Sau mùa gặt, hoạt động thu mua rơm diễn ra nhộn nhịp giúp nâng cao thu nhập cho người dân. |
Theo các thành viên, có 2 cách để thu gom rơm. Cách thứ nhất, rơm được hút lên xe, vận chuyển ra các bờ kênh, sau đó cho xuống ghe chở đi bán cho các hộ trồng nấm rơm. Cách thứ hai, rơm được đóng thành cuộn, bán lại cho các hộ trồng cây ăn trái, làm thức ăn cho gia súc… Dịch vụ này không những làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường mà nó còn tạo thêm thu nhập cho thành viên, người lao động.
Tổng kết hoạt động năm 2020, HTX đạt doanh thu trên 4,6 tỷ đồng, đạt 102,74% so kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế trên 589 triệu đồng, đạt 313% so với kế hoạch, tỷ lệ lãi chia cho thành viên đạt 3,8%/tháng.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế đạt được, HTX cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động và 80 lao động thời vụ, có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng, góp phần cùng địa phương làm giảm hộ nghèo.
Như Yến