Môi trường nước được đảm bảo sạch sẽ sẽ hạn chế dịch bệnh trong nuôi cá lồng |
Một số loài cá bản địa quý hiếm cũng được HTX thuần hóa và nuôi thương phẩm thành công như cá chiên, cá lăng, cá anh vũ… Ðiều này không chỉ giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần thay đổi cơ cấu giống thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Các thành viên lựa chọn nuôi cá lồng vì đây là mô hình sản xuất dễ áp dụng nuôi thâm canh cao, có thể chủ động trong chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch. “Một người có thể quản lý, chăm sóc cho nhiều lồng nuôi nên chi phí nhân công giảm so với nuôi trong ao đất. Mỗi lồng nuôi trên sông, với thể tích 100m3, có thể cho năng suất tương đương với một héc ta ao đất” - anh Đinh Văn Linh-Giám đốc HTX cho biết.
Vì vậy, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững và cho thu nhập cao, HTX đã quyết không sử dụng hóa chất, kháng sinh mà chỉ dùng tỏi và vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá. Ngoài việc bổ sung "kháng sinh tự nhiên" qua thức ăn, các thành viên luôn chú ý vệ sinh lồng cá và khu vực nuôi thường xuyên.
Lòng hồ thủy điện Hòa Bình có dòng chảy liên tục nên hầu hết chất thải của cá không bị tồn đọng. Tuy nhiên, dòng nước này cũng dễ mang theo các mầm bệnh hoặc ký sinh trùng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi. Để nước luôn trong và sạch, HTX tiến hành buộc các túi vôi vào thành lồng để tiêu diệt các ký sinh trùng và hạn chế vi khuẩn gây bệnh cho đàn cá.
Bên cạnh đó, các lồng cá đều có lưới lót bên trong, nhờ vậy, cá sẽ sử dụng triệt để lượng thức ăn thả vào lồng. Lớp lưới lót này cũng giúp công tác vệ sinh lồng cá được tiện lợi hơn. Chất thải của cá lưu lại trên lưới, mỗi lần vệ sinh, thành viên chỉ cần thay lớp lưới và giặt sạch rong rêu, mảng bám.
So sánh với những lồng cá bình thường, cá của HTX khỏe mạnh, lớn nhanh hơn. Điều quan trọng nữa là những phương pháp mà HTX áp dụng đều an toàn cho người tiêu dùng và môi trường. Cá vì vậy không phải mất thời gian cách ly mà vẫn bảo đảm không có dư lượng thuốc kháng sinh.
Điều đặc biệt là nếu vùng nuôi cá khác, nước đều bị đục, bẩn, nhiều tạp chất thì nước ở khu vực đặt lồng nuôi của HTX luôn trong, không gợn đục.
Sản phẩm của HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi năm, HTX xuất ra thị trường vài chục tấn cá đảm bảo tươi ngon và giải quyết việc làm cho gần 100 lao động.
Chủ động sản xuất
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập, HTX đang giảm nuôi các loại cá truyền thống, tập trung vào nuôi và cung ứng các sản phẩm cá đặc sản, giá trị kinh tế cao.
Trong quá trình nuôi, để giảm chi phí đầu tư, các thành viên đã tận dụng nguồn thức ăn phong phú tại địa phương, kết hợp trồng cỏ voi phục vụ nuôi thủy sản. Hơn thế, việc không sử dụng thức ăn công nghiệp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng của HTX.
Hiện nay, 100% thành viên HTX đã đầu tư hệ thống lồng sắt kiên cố, giúp tăng thời gian sử dụng, giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm chi phí sửa chữa.
Bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, HTX đã liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi về diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, HTX còn được hỗ trợ vật tư, con giống; cải tạo, nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản…
Mô hình nuôi cá lồng của HTX Bình Thanh đang cơ bản giải quyết bài toán khó về việc làm, tăng thu nhập cho người dân bằng cách tận dụng diện tích mặt nước để phát triển kinh tế. Hoạt động hiệu qủa của HTX cũng góp phần không nhỏ vào việc đưa nghề nuôi cá lồng trở thành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương.
Huyền Trang