Cũng như các vùng nông thôn khác, rác thải sinh hoạt ở huyện Vĩnh Tường đang đặt ra nhiều thách thức lớn. Mỗi ngày, một lượng rác sinh hoạt khá lớn thải ra môi trường. Trong khi đó, huyện lại thiếu các bãi rác tập trung, bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác, do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của nhà mình. Cách xử lý được áp dụng nhiều và được coi là thuận lợi nhất với người dân đó là đốt, chôn lấp mương, thậm chí là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể như sông, kênh, rạch...
Nhiều mô hình sáng tạo
Bà Hoàng Thị Mến, Giám đốc HTX dịch vụ môi trường Tam Phúc chia sẻ, HTX được thành lập từ tháng 12/2012, trên cơ sở 6 tổ thu gom rác thải ở 6 thôn dân cư. Qua 8 năm hoạt động, HTX đã thu gom, vận chuyển và xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt, đảm bảo môi trường sạch, đẹp cho các thôn dân cư, đồng thời, trở thành HTX điển hình của tỉnh trong công tác vệ sinh môi trường.
HTX luôn đi đầu trong việc cắt cử thành viên tích cực thu gom, xử lý rác thải tại các trục đường chính, đường ngõ xóm và khơi thông hệ thống mương, cống, rãnh... Mặt khác, HTX liên hệ để được cung cấp chế phẩm vi sinh xử lý rác thải, đảm bảo an toàn cho môi trường. Không chỉ quan tâm vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch sẽ mà HTX còn làm đẹp cho môi trường quê hương.
![]() |
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Tường thiếu các bãi rác tập trung, bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác. |
Ông Nguyễn Văn Toại, Chủ tịch UBND xã Tam Phúc cho biết, để công tác môi trường của xã được duy trì đảm bảo tốt, mỗi tháng xã giao HTX chủ động viết bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã về mục đích, ý nghĩa của công tác vệ sinh môi trường, gắn trách nhiệm của mỗi công dân, vừa tuyên truyền nhắc nhở động viên, khích lệ tinh thần, vừa lên án những hành vi chưa thực hiện tốt. Ngày 10 và 20 hàng tháng, xã thực hiện phát động phong trào toàn dân ra quân tổng vệ sinh khắp các đường làng ngõ xóm, phát quang cây cối bụi rậm, khơi thông dòng chảy kênh mương, rãnh thoát nước...
Mô hình điển hình khác là mô hình “Phụ nữ phân loại, xử lý rác thải tại gia đình và hạn chế sử dụng rác thải nhựa” tại xã Vũ Di, theo đó các chị em được cán bộ Hội LHPN xã hướng dẫn phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ, rác thải tái chế, cách xử lý, cách ủ phân hữu cơ bằng rác thải hữu cơ và chế phẩm sinh học để giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường.
Việc phân loại, xử lý rác thải không chỉ nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên trong vấn đề xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp nâng cao hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Tại chợ trung tâm thị trấn Vĩnh Tường, anh Đặng Văn Linh, Bí thư huyện đoàn Vĩnh Tường chia sẻ, huyện đoàn thường xuyên tổ chức tập huấn các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa cho người dân, các hộ kinh doanh tại chợ từ đó xây dựng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”.
Với mô hình này người dân và các hộ kinh doanh được tuyên truyền, phổ biến về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống.
Cách phân loại rác và thực hiện các hình thức gói hàng thay thế túi nilon như: lá chuối, báo, các sản phẩm thân thiện với môi trường… khuyến khích sử dụng "Ứng dụng phân loại rác tại nguồn được tích điểm tặng quà mGreen". Hướng dẫn người mua hàng cách tự cầm đồ đi đựng hoặc dùng các sản phẩm thay thế khác để gói thực phẩm, hàng hóa.
Nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp
Để diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp ông Nguyễn Như Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Tường đánh giá, để thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của các hộ dân, nhân rộng các tuyến đường xanh - sạch - đẹp.
![]() |
Để diện mạo nông thôn huyện Vĩnh Tường xanh, sạch, đẹp cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, sự đồng hành của người dân. |
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan liên quan và địa phương thì bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành việc phân loại, đổ rác đúng nơi quy định, các cấp thẩm quyền cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng.
Mỗi năm trên địa bàn huyện phát sinh khoảng trên 16.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý mới chỉ được thực hiện tại khu vực thị trấn và ở một số xã, việc xử lý chủ yếu bằng phương pháp thủ công đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.
Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn chủ yếu vẫn là chôn lấp, phần lớn các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường và luôn trong tình trạng quá tải.
Một số địa phương trong huyện phát triển các lò đốt rác quy mô nhỏ, công suất 300 – 500 kg/giờ, phần lớn các lò đốt rác ở nông thôn đều không có hệ thống xử lý khí thải hoặc có nhưng không đáp ứng yêu cầu gây ô nhiễm môi trường.
Công tác vận hành lò đốt cũng là vấn đề tồn tại do rác thải không được phân loại, do thiếu kinh phí và công nhân kỹ thuật vận hành, do công suất quá tải.
Nhiều địa phương đầu tư lò đốt nhưng không thể vận hành vì các lý do nêu trên. Với lợi thế tỷ lệ chất hữu cơ trong rác thải sinh hoạt nông thôn thường cao hơn rác thải sinh hoạt ở thành phố, chiếm từ 55-65% nhưng việc xử lý rác thải bằng compost lại không phát triển do khó khăn trong việc phân loại và chính sách hỗ trợ của mỗi địa phương.
Theo ông Nguyễn Như Thảo, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn, cần phải thực hiện đồng bộ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình xử lý với các phương án vận hành và chi phí vận hành phù hợp với điều kiện của vùng nông thôn
Cần tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng đồng bộ các biện pháp để rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng và làm cơ sở điều chỉnh các quy định và chính sách hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn.
Bổ sung các quy định về kiểm soát nguồn thải và bảo vệ chất lượng nhằm khép kín quy trình kiểm soát nguồn thải từ khu dân cư đến nguồn tiếp nhận.
Kết hợp biện pháp nâng cao năng lực của chính quyền địa phương và nhận thức cộng đồng với thực hiện các biện pháp chế tài, xử phạt các vi phạm về xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm nước ao, hồ, kênh, mương thủy lợi.
Đoàn Huyền