Được phát triển chủ yếu trên địa bàn huyện Cam Lộ, gà Cùa được người dân địa phương nuôi thả ở vùng gò đồi, dưới những vườn cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, hay vườn mít. Ở đây, ban ngày gà Cùa tự tìm kiếm thức ăn tự nhiên, đến tối bay lên đậu trên những cành cây để ngủ.
Hoàn thiện quy trình chăn nuôi
Phương thức chăn thả tự nhiên, quản lý chặt về không gian sống, giúp các hộ nuôi gà vừa ít tốn công chăm sóc, vừa giúp vật nuôi có khả năng kháng bệnh cao. Những hộ nuôi nhiều thì cho gà Cùa ăn thêm thức ăn, chủ yếu là lúa hữu cơ.
Gà Cùa được chăn thả tự nhiên, ăn thức ăn sạch nên có chất lượng rất cao (Ảnh TL). |
Theo người dân địa phương, để nhận biết gà Cùa “chính hãng” phải dựa vào những đặc điểm riêng như chân gà nhỏ và dài, lông mượt, mình nhỏ, mào ngắn, mỏ nhọn và dài.
Gà Cùa có trọng lượng thường chỉ khoảng 1kg, xương nhỏ, mỡ ít, nạc nhiều, thịt thơm và săn chắc nhưng không dai. Vì vậy, gà Cùa rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao, ổn định từ 100.000 - 110.000 đồng/kg.
Do được nuôi bằng thức ăn sạch, gà Cùa luôn được người tiêu dùng biết đến là loại gà ngon, sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, phương thức nuôi hiện tại giúp các hộ chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đơn cử, trong quá trình nuôi, để giảm thiểu ô nhiễm, các hộ luôn chủ động rắc vôi bột để sát khuẩn, diệt vi trùng, loại bỏ mùi hôi.
Các hộ chăn nuôi cũng loại bỏ hoàn toàn các loại cám công nghiệp, chất kích thích tăng trưởng độc hại, thay vào đó là các loại thức ăn sạch từ tự nhiên như cám gạo, cám ngô, thóc…
Các loại phân, chất thải của gà luôn được các hộ thu gom, tập trung đúng nơi quy định, sau đó xử lý vi sinh để biến thành phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, phục vụ trồng trọt, tiết kiệm đáng kể chi phí.
Đáng chú ý, trong 3 năm trở lại đây, để phát triển các mô hình chăn nuôi gà Cùa theo hướng khoa học, hình thành chuỗi giá trị, tỉnh Quảng Trị đang thúc đẩy vai trò của các HTX, tổ hợp tác.
Đơn cử, tại huyện Cam Lộ, có 2 tổ hợp tác được thành lập để định hướng, hỗ trợ người dân chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn sinh học.
Theo đó, tham gia vào tổ hợp tác, các hộ thành viên được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi chuẩn, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu
Chị Phạm Thị Hường, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ chia sẻ, sau khi được hỗ trợ 500 con gà Cùa từ tổ hợp tác, gia đình chị quây lưới thép quanh diện tích gần 0,5 ha, tạo không gian sinh hoạt cho gà.
“Nhờ được hỗ trợ về giống, lại được tập huấn kỹ về kỹ thuật chăn nuôi nên ngay trong lứa đầu tiên, kéo dài 3 tháng, tôi đã lãi gần 25 triệu đồng. Sau vụ đầu, tôi nâng số lượng nuôi lên trên 1.500 con, đàn gà hiện đang phát triển rất tốt, vừa kịp đón Tết này”, chị Hường phấn khởi nói.
Các mô hình chăn nuôi gà Cùa được phát triển theo hướng an toàn sinh học (Ảnh TL). |
Với những thành công đạt được, tỉnh Quảng Trị đang dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển mô hình và đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho gà Cùa.
Hiện, chỉ tính riêng vùng Cùa huyện Cam Lộ đã có tổng đàn gà khoảng 90.000 con, sản lượng ước đạt gần 100 tấn, thu nhập gần 5 tỷ đồng.
Thời gian qua, chất lượng thịt gà Cùa đã khẳng định được uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Các mô hình chăn nuôi gà Cùa cũng dần phát triển mạnh trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Để xây dựng thương hiệu sản phẩm gà Cùa, tỉnh chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là huyện Cam Lộ tích cực hỗ trợ tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát đánh giá mô hình, quảng bá xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Sản phẩm gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị của các tổ hợp tác khi xuất bán đều được gắn thẻ truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lỹ, tạo sản phẩm đặc trưng khác biệt để hình thành thương hiệu cạnh tranh trên thị trường.
Nhật Minh