Ngày 24/6, Bộ TN&MT đã tổ chức lễ công bố Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2014, chuyên đề về: "Môi trường nông thôn", nhằm đánh giá tổng quan môi trường nông thôn của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014.
Không còn là… nguy cơ
Theo đó, Báo cáo cho biết với khoảng 67% dân số cả nước, nông thôn Việt Nam đang trên con đường đổi mới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đã đem lại những thay đổi đáng kể về đời sống, hạ tầng kỹ thuật cũng như cảnh quan môi trường nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển KT-XH mạnh mẽ là những nguy cơ không nhỏ về ô nhiễm môi trường.
Chính vì vậy, việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, hiện trạng, tác động và xu hướng các vấn đề có liên quan đến môi trường nông thôn tại Việt Nam sẽ hỗ trợ cho việc xem xét, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, kế hoạch và giải pháp nhằm quản lý và BVMT nông thôn.
![]() |
Một HTX Môi trường ở Bạc Liêu
Trong những năm gần đây, công tác quản lý và BVMT nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các nội dung về quản lý môi trường nông thôn được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bộ máy tổ chức quản lý môi trường nông thôn đang được củng cố và nâng cao năng lực. Công tác nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong BVMT ở khu vực nông thôn cũng đang được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, theo Báo cáo, công tác quản lý và BVMT nông thôn vẫn còn tồn tại những khó khăn, thách thức chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ khác nhau. Một số quy định pháp luật liên quan đến BVMT khu vực nông thôn còn thiếu tính khả thi. Vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong phân công trách nhiệm, có những mảng còn bỏ ngỏ trong tổ chức quản lý môi trường nông thôn. Đầu tư tài chính cho quản lý và BVMT nông thôn còn thấp và chưa nhận được sự quan tâm thích đáng.
Đồng thời, các hoạt động quản lý và kiểm soát chất thải từ khu vực nông thôn chưa thực sự hiệu quả. Nhận thức của người dân về BVMT nông thôn còn hạn chế.
Cần sự chung tay giữa các bộ ngành
Báo cáo môi trường quốc gia về nông thôn năm 2014 đã nêu vai trò của cộng đồng trong BVMT và có trích dẫn số liệu về hơn 9.000 HTX nông nghiệp ở khu vực nông thôn, 274 HTX môi trường trong cả nước. Hiện nay, theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, tiêu chí môi trường - tiêu chí thứ 17 trong Bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới là khó thực hiện. Đa số các xã đạt xã điểm nông thôn mới không đạt được tiêu chí thứ 17.
Vì vậy, tại hội nghị trên, góp phần hiến kế BVMT nông thôn cùng với sự phát triển kinh tế, Liên minh HTX Việt Nam cho biết cơ quan này đang thực hiện chương trình phối hợp với Bộ TN&MT giai đoạn 2011 - 2015, đang chủ trì thực hiện đề án phát huy vai trò HTX trong công tác BVMT làng nghề, là thành viên của Ban Chỉ đạo nông thôn mới.
Đồng thời, để thực hiện tốt vai trò của cộng đồng, công tác xã hội hóa môi trường, Bộ TN&MT cần có những đề xuất cụ thể để gắn kết thực hiện tiêu chí thứ 13 trong thành lập tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả và tiêu chí thứ 17 về môi trường. Bộ TN&MT nên phối kết hợp chặt chẽ các bộ ngành: NN&PTNT, Công Thương, Liên minh HTX Việt Nam trong triển khai và thúc đẩy công tác BVMT khu vực nông thôn, làng nghề trong cả nước, chia theo vùng miền, đặc thù ngành nghề…
Bộ TN&MT đã kiến nghị 7 giải pháp với Quốc hội và Chính phủ đối với vấn đề BVMT. Cụ thể gồm: tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nông thôn một cách hệ thống và đồng bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý môi trường nông thôn theo hướng tập trung và toàn diện; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn; rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí, đặc biệt là nhóm tiêu chí về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện nông thôn hiện nay; đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải nông thôn, cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn; tăng cường nguồn đầu tư, tài chính từ ngân sách nhà nước và huy động đầu tư từ các nguồn khác cho hoạt động BVMT nông thôn; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia các bên, trong đó có cộng đồng dân cư, trong các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch và triển khai các biện pháp BVMT nông thôn.
Đồng thời, Bộ TN&MT cũng kiến nghị 6 giải pháp đối với các địa phương. Như kiện toàn bộ máy thực thi công tác BVMT các cấp, đặc biêt là cấp xã; triển khai các chính sách, quy định pháp luật về BVMT nông thôn một cách có hiệu qủa; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và chương trình mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015…
Phạm Tố Oanh