Sự cố vỡ đập chứa xỉ than khiến hơn 100 ngôi nhà của người dân phường Mông Dương (Quảng Ninh) bị vùi lấp bởi hàng nghìn khối bùn thải, xỉ than trong mùa mưa bão năm 2015, gây thiệt hại nặng nề về người và của, là lời cảnh báo đòi hỏi chính quyền và người dân tại các vùng khai thác than cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi mùa mưa bão đến.
Những quả “bom” trên đầu dân
Sau thảm họa vào cuối tháng 7/2015, những công tác khắc phục đã được thực hiện, nhằm giảm thiểu những sự cố tương tự xảy ra. Tuy nhiên, theo khảo sát tại các vùng khai thác than tại thời điểm hiện tại, những nguy cơ vẫn tiềm tàng, lơ lửng trên đầu người dân.
Tại Hạ Long, các bãi thải khổng lồ của các công ty than như Hòn Gai, Hà Tu, Núi Béo… vẫn đang bủa vây khu dân cư. Tại Cẩm Phả, những bãi thải của Cao Sơn, Cọc Sáu… có độ cao 100 - 300m, cũng đang lơ lửng áp sát nhà dân. Không chỉ có nguy cơ sạt lở cao khi mưa lũ, mà còn đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Ông Trần Văn Thanh - người dân tại khu 6 (phường Mông Dương, Tp.Cẩm Phả), sống gần bãi xỉ của công ty than Thăng Long, chia sẻ: “Mùa nào cũng khổ, mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa thì lo sạt lở. Hàng chục năm nay người dân chúng tôi phải sống chung với bụi, với bùn. Nguồn nước bị ô nhiễm không thể tưới tiêu, chứ đừng nói là sinh hoạt, ăn uống”.
Theo thống kê, lượng xỉ thải từ hoạt động khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), chỉ tính riêng tại vùng Cẩm Phả, có thể lên tới trên dưới 200 triệu m3/năm (chiếm 70% lượng đổ thải toàn ngành). Lượng tro xỉ khổng lồ này bồi đắp lên những núi thải than khổng lồ, cao từ 100 - 300m, đe dọa sự an toàn của các khu dân cư lân cận.
Ông Phạm Ngọc Lự - Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương, cho biết: “Hầu hết các công ty than hiện tại đều đang “bí” nơi đổ thải. Các bãi thải trên địa bàn phường vẫn trong cao trình cho phép, từ 250 - 300m. Các bãi thải phải tuân thủ những quy định bảo đảm an toàn, nhưng trong trường hợp thời tiết, thiên tai bất thường thì sự cố là có thể xảy ra”.
![]() |
Lũ xỉ than là nỗi ám ảnh của người dân vùng khai thác than
Nguy hiểm tiềm tàng, khẩn cấp di dời
Trước những nguy cơ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh và ngành than đang thực hiện nhiều giải pháp để đối phó. Về hạ tầng, vấn đề quy hoạch các bãi thải than đang được gấp rút thực hiện. Theo đại diện của Vinacomin, sau mùa mưa năm 2015, Vinacomin đã phối hợp với các đơn vị khai thác than tiến hành rà soát lại toàn bộ các bãi thải, tiến hành gia cố hệ thống các tầng thải, nạo vét hệ thống thoát nước, kiên cố hóa hệ thống đập, đê chắn...
Dù các giải pháp về cơ sở hạ tầng đã được thực hiện, tuy nhiên để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, thì khẩn cấp di dời dân cư ra khỏi khu vực bãi thải mới là giải pháp triệt để. Và đến thời điểm này, công tác di dời cũng đang được chính quyền Tp.Cẩm Phả tiến hành khá hiệu quả.
“Đến nay, Cẩm Phả đã tiến hành di dời 105 dân tại vùng “nóng” sạt lở. Các hộ đều được bàn giao mặt bằng, nhận tiền đền bù, hỗ trợ để chuyển đến các khu tái định cư, sống ổn định. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai các kế hoạch di dời và đến thời điểm này, các phương án phòng chống bão lũ năm 2016 đã cơ bản hoàn thành”, ông Phạm Ngọc Lự cho hay.
Theo Đề án di dân tổng thể và quy hoạch bố trí dân cư phòng chống thiên tai giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Quảng Ninh, Cẩm Phả cần di dời 332 hộ dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi bãi thải và khai trường khai thác than. Đến năm 2020, Quảng Ninh phải di dời 433 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than. Tổng kinh phí cho đề án này là hơn 360 tỷ đồng (do ngành than chi trả).
Sự bất thường của thời tiết, thiên tai gây ra những hậu quả tiêu cực, và ngành than cũng nằm trong số đó. Các dự án đầu tư tiền tỷ và giải pháp cũng đã được đưa ra, nhưng hiệu quả như thế nào thì vẫn phải đợi câu trả lời khi mùa mưa bão 2016 qua. Tất cả đều hy vọng, thảm họa sẽ không ập xuống đầu người dân.
Hiến Nguyễn