Chất thải rắn (CTR) ở nông thôn có sự khác biệt đáng kể về thành phần và mức độ gây ô nhiễm tùy theo nguồn phát sinh. Có thể phân loại CTR theo 3 nhóm chính là CTR sinh hoạt, CTR nông nghiệp và CTR làng nghề. CTR từ nguồn sinh hoạt có đặc trưng là thành phần hữu cơ dễ phân hủy chiếm tỷ lệ cao, dao động từ 65-70% tổng lượng rác thải.
Chưa được phân loại
Hiện tại, việc phân loại rác thải sinh hoạt nông thôn được tiến hành ngay tại các hộ gia đình đối với việc thu gom riêng một số loại chất thải như: giấy, bìa các tông, kim loại, thức ăn thừa… Các chất thải khác không sử dụng được hầu hết không được phân loại và để lẫn lộn bao gồm cả rác có khả năng phân hủy và khó phân hủy như: túi nilon, thủy tinh, lá cây, xác động vật…
Một số địa phương đã có hướng dẫn về việc phân loại rác thải tại nguồn cũng như đã triển khai mô hình về phân loại rác thải và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, việc phân loại rác thải sinh hoạt nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Rác thải không được phân loại ngay tại nguồn cũng tạo khó khăn cho công tác thu gom và xử lý.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đến nay đã có khoảng 40 – 55% xã trong toàn quốc thành lập tổ thu gom CTR sinh hoạt, tăng 10% so với trước thời điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới. Nhiều nơi vẫn còn hiện tượng CTR đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
![]() |
Chưa xử lý hết chất thải rắn
Tại Thái Bình, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 758 tấn CTR sinh hoạt phát sinh. Trong đó, bình quân mỗi xã, lượng CTR khoảng từ 5-10 tấn mỗi ngày. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 380 bãi rác không bảo đảm vệ sinh môi trường.
Tháng 2/2014, công trình xử lý CTR của tỉnh được đưa vào hoạt động với diện tích 3.000m2, cách xa khu dân cư trên 1km, hoạt động theo mô hình lò đốt kết hợp chôn lấp._Lò đốt trị giá 2,2 tỷ đồng, được sản xuất tại Thái Lan theo công nghệ Nhật Bản, vận hành theo phương pháp lò đốt tự nhiên, công suất xử lý 8 tấn/ngày.
Tuy nhiên, thực tế vận hành cho thấy, lò đốt chưa xử lý được hết CTR, mà còn tốn nhiều nhân công và thời gian phân loại rác để chôn lấp. Mặt khác, do sử dụng phương pháp tự nhiên, lò đốt mới duy trì ở mức nhiệt 600-700 độ C, CTR chưa được đốt ra tro 100% và vẫn phải tiếp tục chôn lại. Công suất lò đốt thấp, thực tế chỉ đốt được khoảng 5-6 tấn rác/ngày trong khi lượng CTR phát sinh lớn. Việc chưa xử lý hết lượng CTR trong ngày dẫn đến tình trạng ô nhiễm.
Tăng cường thu gom, xử lý
Theo đánh giá của chuyên gia, trong các loại chất thải nguy hại (chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế), CTR là mối hiểm họa đặc biệt. Chất thải rắn đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng; nghiêm trọng nhất là đối với dân cư khu vực làng nghề, gần khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải…
Việc quản lý, xử lý CTR không đúng kỹ thuật, không hợp vệ sinh cũng là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa đầy đủ, đồng bộ như chưa có một quy định thống nhất, toàn diện cho công tác quy hoạch, quản lý CTR quốc gia; chưa có cơ quan chịu trách nhiệm tập trung quản lý thông tin, dữ liệu về quản lý CTR từ Trung ương đến các địa phương…
Công tác kiểm tra thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, các chế tài quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường đối với CTR chưa đủ sức răn đe…
Do vậy, cần tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về CTR từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các Bộ, ngành, cũng như xác định rõ cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với CTR ở các cấp, nhất là phân định chức năng quản lý đối với CTR nông thôn, nông nghiệp, CTR làng nghề.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác thải là việc làm quan trọng giúp giảm lượng chất thải phát sinh cũng như tăng cường hiệu quả xử lý.
Trần Đức