Với mục tiêu sản xuất sạch, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện môi trường, HTX áp dụng quy định sản xuất “5 không”, bao gồm: không phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ.
Ông Trần Ngọc Liên – Giám đốc HTX Đông Xuân, cho biết: “Phương pháp sản xuất mới theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu từ năm 2013. Đến nay, sau hơn 4 năm áp dụng, bà con đã có thể tự tin sản xuất dưa lê VietGAP chuyên nghiệp, từ việc ghi nhật ký sản xuất đến việc phòng, chống sâu bệnh bằng biện pháp sinh học và canh tác đất bảo vệ môi trường”.
Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, thương hiệu dưa lê Đông Xuân ngày càng được khẳng định trên thị trường |
Ngoài quy tắc “5 không”, HTX Đông Xuân cũng đang áp dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu - EM, một công nghệ sinh học hiện đại từ Nhật Bản. HTX tuân thủ chặt chẽ quy trình xử lý đất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, thay vào đó là các chế phẩm sinh học và phân bón vi sinh.
Ưu điểm lớn nhất của EM là tính an toàn với cây trồng từ khâu sản xuất, điều chế, đến sử dụng, bảo quản. Đây là phương án tối ưu nhất cho việc mở rộng sản xuất rau, quả an toàn, giúp cây dưa lê ít sâu bệnh và thơm ngon hơn.
“Đặc biệt, công nghệ EM tạo ra sự thân thiện môi trường lý, hóa và các vi sinh vật trong đất, ngăn ngừa bệnh và sâu trong đất, theo đó, góp phần quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống cho người dân”, Giám đốc Trần Ngọc Liên phân tích.
Với phương thức canh tác hiện đại, dưa lê ở Đông Xuân trồng quanh năm, vụ chính bắt đầu trồng từ tháng 3 và thu hoạch rộ vào khoảng tháng 6, 7, 8. Quả lê to, tròn đều, trọng lượng quả khi chín đạt 0.4 - 0.8 kg/quả, hình thức đẹp và đặc biệt thơm ngon.
Thành công của HTX Đông Xuân đang tạo ra một sức lan tỏa tích cực, từ số 20 hộ liên kết nhóm sản xuất đến nay số thành viên của HTX Đông Xuân trồng dưa lê siêu ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP đã lên đến 78 hộ, nâng tổng diện tích lê VietGAP lên 10 ha.
H.N