Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã từng bước hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả. Hướng đi này không chỉ nâng cao thu nhập, giá trị kinh tế cho nông dân, mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu cây ăn quả tại địa phương.
Lợi ích toàn diện
Mô hình trồng ổi đang phát triển mạnh, giúp hơn 100 hộ dân trên địa bàn xã Linh Sơn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Theo ghi nhận, Linh Sơn hiện có 35ha ổi, tăng 30 ha so với năm 2010. Mỗi năm, địa phương này cung cấp cho thị trường 120 tấn ổi, doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng.
Ổi Linh Sơn nổi tiếng thơm ngon nhờ sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường (Ảnh TL). |
Bà Nguyễn Thị Minh, thành viên tổ hợp tác trồng ổi xã Linh Sơn, chia sẻ nhờ đưa các giống ổi mới vào sản xuất nên không chỉ năng suất, chất lượng quả ổi tăng lên mà còn giúp người dân Linh Sơn có ổi bán quanh năm.
Những năm qua, thường vào chính vụ (mùa hè), ổi của tổ hợp tác chỉ bán được với giá từ 15 đến 18 nghìn đồng/kg. Nhưng vào mùa đông, nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm, ổi bán được với giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg.
Để duy trì sự ổn định của mô hình, tổ hợp tác đã ứng dụng phương thức sản xuất theo quy trình VietGAP, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, thành viên tổ hợp tác sử dụng phân bón hữu cơ, thân thiện môi trường. Quả ổi được bọc bằng túi giấy chuyên dụng để ngăn tác nhân gây hại, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Cùng với Linh Sơn, xã Nam Hòa cũng là một trong những địa phương có diện tích chuyên canh cây ăn quả lớn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với gần 15ha.
Trong đó có nhiều loại cây ăn quả như ổi, bưởi, thanh long..., cho giá trị kinh tế khá cao. Điển hình như gia đình anh Ngô Văn Trường (xóm Na Chanh, xã Nam Hòa), mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng từ 3ha cây ăn quả.
Hầu hết các hộ trồng cây ăn quả ở Nam Hòa cũng được định hướng sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo vệ môi trường sinh thái, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hướng đi bền vững
Hiện nay, huyện Đồng Hỷ có trên 1.830 ha diện tích trồng cây ăn quả, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm, tăng 90 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015.
Mô hình trồng cây ăn quả sẽ được huyện định hướng phát triển theo chuỗi, chú trọng khoa học - kỹ thuật (Ảnh TL). |
Đáng chú ý, nhiều vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn của huyện đang phát triển theo hướng liên kết, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Việc liên kết trong chuỗi giá trị giúp các hộ trồng cây có thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, song đổi lại sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đồng Hỷ, trong thời gian tới, huyện sẽ chủ động xây dựng sản phẩm trái cây của địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp bà con nông dân có bao bì nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm.
Huyện cũng khuyến khích các hộ dân sản xuất cây ăn quả theo mô hình trang trại hoặc các hộ gia đình góp đất, vốn, thành lập nhóm hộ, HTX và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung nhằm xoá bỏ lối làm ăn manh mún, góp phần hình thành các chuỗi giá trị.
Cùng với đó, huyện sẽ tiến hành rà soát, trồng mới, trồng thay thế những loại giống cây già cỗi bằng những giống cây mới chất lượng; xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường.
Nhật Minh