Theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh phát sinh trên 1.053 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, trong đó, khu vực nông thôn là 771 tấn (chiếm 73%), khu vực đô thị là 282 tấn (chiếm 27%). Trong đó, 67% là rác hữu cơ, 12% túi ni-lông, 14% loại rác khác có thể tái chế (giấy bìa, nhựa, kim loại, thủy tinh…), rác thải không thể tái chế chiếm 7% (cát sỏi, xỉ than, rác xây dựng…).
Thay đổi nhận thức
Trước đây, khối lượng rác thải sinh hoạt đồ sộ được thải thẳng ra môi trường, gây khó khăn cho đơn vị chức năng và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trên địa bàn. Nay, tất cả đã thay đổi, người dân đã hiểu được “rác cũng là một nguồn tài nguyên quý giá”.
Với sự giúp đỡ, đầu tư của chính quyền địa phương, người dân đã bắt đầu biết tận dụng, tái chế, để biến rác thành nguồn lợi. Được sự hướng dẫn của Sở TN&MT tỉnh, người dân đã bắt đầu nâng cao ý thức để phân loại rác ngay từ nguồn, và tận dụng những loại rác có thể tái chế.
Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, công tác tuyên truyền, tập huấn, làm mô hình điểm về phân loại rác tại nguồn được tiến hành với quy mô rộng, trên nhiều địa bàn toàn tỉnh như: xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ), Lạc Long (Kinh Môn), Việt Hồng (Thanh Hà), Cẩm Văn (Cẩm Giàng)….
Trong năm 2014, nhiều mô hình “vừa độc, vừa hiệu quả”, trên địa bàn các huyện Gia Lộc và Chí Linh đã ra đời như: “Phụ nữ phân loại rác tại nhà”, “Phụ nữ xử lý rác thải tại gia đình”,… với sự tham gia của hơn 410 hộ gia đình từ 4 xã.
Bà Bùi Thị Dinh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Tiến (huyện Gia Lộc), cho biết: “Toàn xã có 3 thôn thì 2 thôn đã có tổ thu gom rác thải, hoạt động tích cực và hiệu quả. Riêng thôn Tam Lương, dù chưa có tổ thu gom, nhưng người dân tổ chức xử lý rác trong khuôn viên của nhà, tình trạng vứt rác bừa bãi cũng không còn nhiều.
![]() |
Hoạt động thu gom rác
Biến rác thành tiền
Các loại rác như: vỏ chai, bìa giấy, sắt vụn,… sẽ được để riêng bán lấy tiền. Rác hữu cơ (rau, củ, trái cây hỏng, cơm, thức ăn thừa,…) được ủ để làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. Nhận thấy được lợi ích của việc tái chế rác thải, hầu hết các hộ dân trong xã đều phấn khởi thực hiện”.
Bà Nguyễn Thị Thu, người dân xã Tân Tiến, phấn khởi nói: “Trước đây rác vứt đầy đường, lấp kín kênh mương. Nhưng từ khi được hướng dẫn phân loại rác, không chỉ đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn, mà người dân chúng tôi cũng có thêm thu nhập. Như nhà tôi, mỗi lần bán ve chai cũng có thêm ít tiền đi chợ, các hố ủ rác cũng giúp tiết kiệm tiền mua phân bón. Quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường sống, đảm bảo sức khỏe của mọi người”.
Không chỉ trở thành nguồn lợi cho người dân, rác thải còn là một nguồn lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp. Nhận thấy lợi ích to lớn của nguồn “tài nguyên rác”, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, công nghệ để biến lượng chất thải công nghiệp, xây dựng thành nguyên, nhiên liệu.
Điển hình là công ty CP Môi trường Tình Thương (TT.Kẻ Sặt, huyện Bình Giang), với một hệ thống dây chuyền hiện đại, chuyên xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại. Ông Lê Quang Thọ, Giám đốc nhà máy xử lý rác thải của công ty, cho biết: “Việc đầu tư cho hệ thống tái chế rác, dù tốn kém lúc ban đầu, nhưng sẽ đem lại nguồn lợi lâu dài và tại ra một sự phát triển bền vững.
Rác có thể tái chế chiếm 15-25% tổng lượng rác. Lợi nhuận thu được từ đây dùng để tăng thu nhập cho công nhân. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục nâng cấp công nghệ để tận dụng triệt để hơn nguồn lợi trong rác thải”.
Ngoài ra, còn hàng loạt các công ty khác cũng tích cực hưởng ứng phong trào tận dụng và tái chế rác, như: công ty CP Môi trường APT-Seraphin, công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công,…
Khi ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở thành nỗi đe dọa đến sự phát triển và đời sống của người dân, những sáng kiến của chính quyền, doanh nghiệp, và người dân tỉnh Hải Dương, chính là điểm sáng đáng được nhân rộng và học tập.
Văn Hiến