Với Luật HTX 2012, việc hình thành và triển khai các HTX kiểu mới là nền tảng quan trọng, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và tạo thu nhập bền vững cho người nông dân.
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi sang mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới tại một số địa phương cũng đã thu được những kết quả khả quan.
Hầu như các địa phương và các HTX đều nhận thấy mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm là hướng đi đúng đắn, hài hòa về lợi ích giữa thành viên và HTX, để HTX và thành viên tin tưởng nhau, nhìn thấy lợi ích lâu dài từ mô hình liên kết này, tôn trọng và thực hiện đầy đủ nội dung của hợp đồng, không phá vỡ hợp đồng khi có biến động giá cả.
Mong muốn có thương hiệu riêng
Từ ngày 15 đến hết ngày 21/4, thực hiện chỉ đạo trực tiếp từ Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh (Tổ trưởng Tổ công tác), Trung tâm Các chương trình kinh tế xã hội (Liên minh HTX Việt Nam) cùng các thành viên trong Tổ công tác theo Quyết định số 119/QĐ-LMHTXVN ngày 22/2/2018 đã phối hợp Liên minh HTX các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam lên kế hoạch chương trình chi tiết và đã tiến hành khảo sát 7 HTX trên địa bàn 3 tỉnh.
Trong quá trình đi khảo sát, Đoàn nhận thấy các mô hình HTX hiện nay đang sản xuất theo hai hướng chính, gồm sản xuất lúa gạo truyền thống và sản xuất thực phẩm sạch.
Các HTX như HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Nhân Mỹ và HTX DVNN xã Yên Bắc (tỉnh Hà Nam) hoạt động theo quy mô toàn xã, vẫn sản xuất theo lối truyền thống, sản xuất lúa gạo nhưng hiện đã chú trọng hơn đến chất lượng và thương hiệu của sản phẩm.
Thêm vào đó, các HTX không những sản xuất giống lúa để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của người dân, mà còn sản xuất ra những giống lúa tốt hơn, với giá thành cao hơn để tăng thêm thu nhập.
HTX DVNN Nhân Mỹ chủ yếu tập trung tổ chức sản xuất, cung ứng đầu vào (như giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu…) và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên. Hiện, HTX đã ký hợp đồng với các DN trong, ngoài tỉnh và đang mở rộng để sản xuất cũng như tiêu thụ hết sản phẩm cho xã viên của HTX mình.
Ngoài ra, HTX hiện đang nghiên cứu giống lúa mới trên một số cánh đồng mẫu để cho ra giống lúa ít sâu bệnh và năng suất cao hơn.
HTX DVNN xã Yên Bắc (Hà Nam) có thế mạnh là tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nhất là cung ứng giống cho xã viên. Đặc biệt, với mặt hàng lúa giống, HTX đang ký kết hợp đồng với 4 công ty.
HTX Yên Bắc hiện tiếp tục mở rộng để sản xuất và tiêu thụ hết diện tích lúa giống cho xã viên của mình. HTX đã thành công trong “dịch vụ làm đất” khi đã quản lý và điều hành tất cả máy làm đất tư nhân trên địa bàn của xã, tránh được tình trạng ép giá, tranh chấp lẫn nhau, nông dân được hưởng giá làm đất phù hợp...
Đoàn công tác làm việc với HTX Yên Bắc (Hà Nam)… |
Mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất
Tuy nhiên, cả hai HTX đều mong muốn có được thương hiệu riêng để lúa gạo của họ có thể đến với người tiêu dùng một cách trực tiếp, thay vì qua những công ty trung gian. Qua đó, HTX có thể giúp các xã viên tăng thêm thu nhập và thương hiệu gạo của họ không bị mai một.
Những năm gần đây, do thực trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường, vấn đề thực phẩm sạch và an toàn hiện được người tiêu dùng cũng như nhiều gia đình quan tâm hàng đầu.
Hiểu được điều này, một số HTX đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất vào việc sản xuất thực phẩm và rau củ sạch, như HTX Rau sạch và thương mại Phú Thịnh, HTX Chăn nuôi dịch vụ an toàn Siêu Việt (Hưng Yên), HTX Sản xuất và thương mại Định Trung (Vĩnh Phúc).
Hiện nay, HTX Rau sạch và thương mại Phú Thịnh (Hưng Yên) và HTX Sản xuất và thương mại Định Trung (Vĩnh Phúc) đang sản xuất theo mô hình VietGAP để cho ra những rau củ sạch, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Hiện hai HTX này không những cung cấp thực phẩm cho thị trường trong tỉnh, mà còn cung cấp cho thị trường Hà Nội. HTX Phú Thịnh cung cấp rau cho tập đoàn Vingroup, còn HTX Định Trung cung cấp cho công ty Việt Garden.
Tuy nhiên, do một số hạn chế về thời tiết, đôi khi rau sản xuất ra được mùa nhưng giá bán không cao và ngược lại. Do đó, hai HTX này hiện mong muốn được hỗ trợ để xây dựng kho lạnh giúp bảo quản rau để sản phẩm đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất.
Tại Hưng Yên, HTX Chăn nuôi dịch vụ an toàn Siêu Việt hiện đang áp dụng mô hình nuôi lợn bằng thảo dược. HTX đang nuôi lợn bằng những thực phẩm sạch trộn cùng các loại thảo dược, không sử dụng cám có chất cấm và kháng sinh, đã tạo ra chuỗi sản phẩm thịt an toàn được người tiêu dùng tín nhiệm. HTX mong muốn được hỗ trợ máy móc và quảng bá thương hiệu sản phẩm rộng rãi để ngày càng nhiều người biết đến.
Còn tại Vĩnh Phúc, HTX DVNN Tân Phong hiện không những sản xuất lúa gạo, mà còn sản xuất rau và trồng một vài giống hoa. HTX tổ chức sản xuất, cung ứng đầu vào (như giống lúa, phân bón…) cho xã viên để sản xuất lúa gạo.
Sau khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, chi phí sản xuất giảm thiểu đáng kể, nên HTX muốn chuyển một phần lao động nông nghiệp sang làm các công việc khác để phát triển kinh tế, như sản xuất rau và trồng hoa. HTX có nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật, giống hoa và đầu ra để có thể phát triển nghề trồng hoa hơn nữa.
Nguyễn Chí