Số liệu từ UBND tỉnh Bắc Kạn cho thấy, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có 15 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Số chợ nông thôn phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hóa chiếm tỷ lệ lớn (54/65 chợ). Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và có điện lưới quốc gia đạt lần lượt 90% và 97%.
Thu nhập của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện đạt xấp xỉ 31 triệu đồng/người/ năm, tăng gấp trên 2,32 lần so với năm 2008. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng... cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Động lực từ các HTX
Ông Nông Quốc Đới - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, cho biết: “Với đặc thù tỉnh vùng cao, phong trào HTX trên địa bàn tỉnh chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, nhưng các HTX đang hoạt động ổn định và có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng NTM tại các địa phương”.
Đến nay, toàn tỉnh có 118 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, với trên 1.100 thành viên và người lao động. Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, các HTX phát triển khá tốt, đa dạng, phong phú về ngành nghề, quy mô và trình độ, tạo nên thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương.
Phát triển hai lĩnh vực chính là cây ăn quả và dịch vụ vật tư nông nghiệp, HTX Đại Hà (xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông) đang có doanh thu bình quân trên 6 tỷ đồng/ năm. Trong năm 2019, HTX chính là một trong những nhân tố quyết định giúp xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao.
Anh Cao Mạnh Hà - Giám đốc HTX Đại Hà, cho biết: “Gần 5 năm qua, HTX đã có sự mở rộng đáng kể về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ. Phương thức sản xuất chuyển từ thủ công sang cơ giới hóa, dựa trên tiêu chuẩn VietGAP. Đây là cơ sở quan trọng giúp HTX có những đóng góp vào quá trình xây dựng NTM tại địa phương”.
Hàng loạt các HTX cũng đang có những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng NTM tại Bắc Kạn, như HTX Mộc Quang Phong, HTX Hương Rừng (huyện Na Rì); HTX Hoàn Thành, HTX Su su Phja Khao (huyện Chợ Đồn); HTX Nấm Hợp Giang (huyện Bạch Thông)...
Các HTX đang là động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM tại Bắc Kạn |
Đẩy mạnh phát triển HTX
Với những hiệu quả đạt được, các HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang được đánh giá là nhân tố trọng điểm trong quá trình phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của người dân, phát huy tính năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường trong sản xuất nông nghiệp.
Đang có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM tại các địa phương, tuy nhiên, phong trào HTX tỉnh Bắc Kạn cũng đang gặp phải không ít khó khăn, trong đó, thị trường, quy tụ ruộng đất và vốn sản xuất là ba “điểm nghẽn” lớn nhất của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - ông Nông Quốc Đới, cho biết để tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng NTM, cần phải chú ý đến ba điểm cốt lõi. Thứ nhất, Phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của HTX.
Thứ hai là chất lượng sản phẩm, phải đưa sản xuất vào chuỗi với chuẩn VietGAP. Các sản phẩm phải được đầu tư logo, bao bì, nhận diện thương hiệu rõ ràng hơn, nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị.
Thứ ba là vấn đề xúc tiến thương mại. Cần tích cực kết nối, liên kết để mở rộng thị trường đầu ra. Các HTX cũng cần chủ động tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, đơn cử như Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy của các HTX.
“Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, Liên minh HTX tỉnh đã mở nhiều đợt tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tại các HTX, chủ động điều chỉnh, hỗ trợ khi các HTX gặp khó khăn”, ông Nông Quốc Đới cho hay.
Nhật Minh