Việc một trong những nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu từ những ngày đầu tháng 9 và Nga ngừng ưu đãi giá cho phân bón xuất khẩu sang Ấn Độ cho thấy những bất ổn cho những nước sản xuất nông nghiệp, trong đó có Việt Nam.
Thị trường biến động lạ
Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa chủ động được trong sản xuất phân bón nên thị trường phân bón thế giới biến động như thế nào thì thị trường phân bón trong nước cũng không nằm ngoài điều đó.
Ts Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết ngay khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu Ure, giá Ure thế giới đã tăng từ ngày 7/9. Và trong những ngày gần đây, giá phân bón trong nước cũng đã tăng theo đà tăng giá của ure thế giới.
“Với đà này, có thể đến quý 4 khi bước vào vụ Đông Xuân năm 2023 nhu cầu tiêu thụ phân Ure nhiều hơn sẽ tiếp tục đẩy giá phân bón này lên”. Ts Phùng Hà chia sẻ.
Thực tế cho thấy, mọi năm thời điểm này chưa phải là cao điểm mùa vụ nên nhu cầu sử dụng phân bón thấp, giá phân bón ở mức ổn định. Nhưng năm nay, thị trường phân bón đã có những diễn biến khá lạ. Giá phân bón như NPK, DAP, Ure,... tại đại lý cũng rục rịch tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Trong đó, loại được mua nhiều nhất là phân DAP với giá từ 19.000 - 23.000 đồng/kg.
Điều này được nhiều người lý giải là do đà tăng của giá gạo, một trong những cây trồng chủ lực, trong thời gian qua nên nhu cầu mở rộng diện tích tăng phần nào đẩy giá phân bón trong nước tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá phân bón tăng vào thời điểm này có thể trái ngược với nhu cầu thực tiễn vì miền Bắc, diện tích lúa Hè Thu đã được bón xong 3 đợt chính nên nhu cầu tiêu thụ phân còn còn cao. Tại các tỉnh miền Nam, hầu hết các địa phương cũng đã sạ xong nên không cần quá nhiều nguồn phân. Chính vì vậy, việc tăng giá phân trong nước tăng có thể do bị tác động của giá phân bón thế giới cũng như giá dầu khí đang biến động mạnh.
Phân bón tăng ảnh hưởng đến thu nhập và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. |
Việc giá phân bón tăng được cho là sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của hàng chục triệu hộ nông dân, thành viên HTX. Ông Bạch Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Bình Dương cho biết, do làm hợp đồng cung ứng phân bón cho thành viên và người dân nên mỗi vụ, HTX cần khoảng 80 – 100 tấn phân bón cung ứng cho hơn 900 hộ. Điều này đồng nghĩa với việc HTX cần phải có nguồn vốn khoảng 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng để trả cho đơn vị cung ứng phân. Giá phân bón mới giảm được một thời gian ngắn, giờ lại tăng và dự báo tiếp tục tăng khiến HTX gặp khó khăn bởi có thể cùng với số tiền trên nhưng HTX không thể mua đủ lượng phân mà các hộ cần để phục vụ mùa màng.
Rõ ràng, những biến động của thị trường phân bón đang và sẽ tác động không mấy tích cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân, HTX, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của họ. Vì hiện nay, giá nhiều mặt hàng nông sản vẫn rất bấp bênh. Dù giá nông sản như gạo, sầu riêng tăng nhưng thực chất người được hưởng lợi chưa chắc đã là nông dân, HTX.
Ông Bạch Hùng cho biết, không biết giá phân bón có tiếp tục tăng nóng hay không nhưng việc một hộ nông dân phải mua một bao phân với giá khoảng trên 800.000 đồng khác với việc mua một bao phân với giá khoảng 400.000 đồng. Bởi chi phí phân bón càng cao thì lợi nhuận trên mỗi sào lúa của người nông dân sẽ bị kéo giảm thêm hàng triệu đồng.
Giảm sức cạnh tranh
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, giá phân bón tăng đồng nghĩa với giá đầu ra của nông sản, thực phẩm cũng tăng theo. Và giá cao từ trước đến nay vốn là điểm yếu của nông sản Việt trong quá trình cạnh tranh, hội nhập vào kinh tế thế giới. Bởi phân bón đang chiếm khoảng 20-30% chi phí sản xuất của một số loại cây lương thực và ăn quả, rau màu nên đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá sản phẩm lên cao hơn khi đưa ra thị trường.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp Hội Thực phẩm Minh Bạch-AFT, cho biết thực tế so về chất lượng, tính đặc trưng thì nông sản của một số nước không hơn so với nông sản Việt Nam. Nhưng có một điều là nông sản, sản phẩm của họ lại hơn nông sản Việt về giá thành. Cụ thể là giá thành của họ rất cạnh tranh, rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam trên kệ siêu thị ở nhiều nước. "Điều này một phần là do chi phí sản xuất đầu vào của chúng ta đã cao hơn các thị trường khác một cách đáng kể. Như vậy rất khó để nông sản cạnh tranh", bà Minh nói.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (Đồng Nai) cho biết, giá xoài Việt Nam nhiều lúc xuống dưới mức 10.000 đồng/kg như vẫn được nhiều đơn vị thu mua đánh giá là cao hơn so với xoài Campuchia. Trong khi có thời kỳ phân thuốc tăng cao khiến giá thành sản xuất 1kg xoài đội lên rất nhiều so với những năm trước đó.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường cũng như bảo đảm thu nhập cho người nông dân, HTX, cần giảm chi phí sản xuất thông qua việc xem xét giảm chi phí đầu vào. Đối với việc giảm giá phân bón, theo các chuyên gia, điều này là khó vì thị trường phân bón Việt Nam đang liên thông với thị trường phân bón thế giới. Nhưng nếu giá phân bón tiếp tục tăng sẽ không thể bảo đảm thu nhập cho người dân, thành viên HTX. Trong đó một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là làm sao để tăng thu nhập cho người nông dân, HTX.
Để làm được như vậy, không còn cách nào khác là tăng sản xuất bằng các chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm tránh tình trạng nông dân, HTX phải vay mượn, thế chấp tài sản để vay vốn đầu tư cho nông nghiệp. “Nông dân trồng xoài chưa kịp nguôi ngoài giá phân tăng cao cùng giá xoài thấp 2 vụ vừa qua. Nếu giá phân tiếp tục tăng thì người sản xuất không còn mặn mà chăm chút cho cây trồng”, ông Nguyễn Thế Bảo chia sẻ.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, cho biết thời gian gần đây, Nhà nước cũng đã quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp, nông thôn, trong đó có loại hình hình kinh tế tập thể, HTX, nhưng sự quan tâm này vẫn chưa thực sự đến được với các HTX. Có những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mà Chính phủ đưa ra cũng không đến được với người nông dân, HTX mặc dù họ là đối tượng chịu nhiều khó khăn trong chuỗi giá trị hàng hóa. Trong khi do gặp nhiều khó khăn nên nông dân, HTX còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa khoa học khiến chi phí gia tăng.
Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ đối tượng này một cách cụ thể, nhanh chóng đi liền với thúc đẩy sản xuất nhiều hơn nữa các loại phân hữu cơ bảo đảm chất lượng. Vì hiện nay, hoạt động ủ phân, tái chế phân đúng quy trình chỉ đáp ứng được một phần của nhu cầu sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó khiến nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong khi một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi kinh tế nông nghiệp sang sản xuất xanh, sạch, sinh thái và bền vững.
Nhà nước cũng cần có cách thức quản lý để các loại phân, thuốc từ các doanh nghiệp sản xuất đến các đại lý sau đó đến tay nông dân, thành viên HTX không bị tăng cao. Đi liền với đó là khuyến khích các chuỗi liên kết trong tiêu thụ phân bón để hạ giá thành khi đến tay người nông dân, HTX.
Huyền Trang