Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra giống của HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh ở xã Hưng Thạnh đang được xem là mô hình liên kết đã phát huy được hiệu quả, mang lại lợi ích cho nông dân.
Liên kết nuôi cá tra yên tâm đầu ra
Hiện nay, HTX này có 40 thành viên với tổng diện tích 60 ha ao nuôi và duy trì hoạt động ổn định. Để giúp thành viên an tâm nuôi cá và đảm bảo được lợi nhuận, HTX đã ký kết với CTCP Vĩnh Hoàn bao tiêu sản phẩm đầu ra theo giá sàn là 30 ngàn đồng/kg đối với mẫu cá đạt trọng lượng 30 con/kg.
HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh liên kết với doanh nghiệp giúp cho các thành viên nuôi cá tra yên tâm đầu ra. |
Nếu giá thị trường thấp hơn thì sẽ cộng giá sàn và giá thị trường rồi chia đôi, đây là mức giá công ty sẽ thu mua. Ngược lại, nếu giá thị trường cao hơn giá sàn thì sẽ thu mua theo giá thị trường.
Ông Phạm Thanh Phong, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh cho biết, từ khi bắt đầu thả nuôi đến thu hoạch khoảng 3 tháng, mỗi năm sẽ xuất bán 3 đợt cá giống, trung bình mỗi héc ta ao nuôi bán được khoảng 15 tấn/đợt, trừ chi phí thu lợi nhuận 90 triệu đồng/đợt.
HTX đang thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng đến xây dựng thương hiệu cho cá tra giống và liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định.
Ông Phong cho rằng việc tổ chức các lớp tập huấn do ngành nông nghiệp trong tỉnh tổ chức đã giúp HTX tăng hiệu quả trong việc tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Ưu điểm của mối liên kết giữa HTX Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh với Công ty Vĩnh Hoàn là việc triển khai tiêm vắc xin gan thận mủ cho cá giống. Công ty còn hỗ trợ HTX chi phí vắc xin và chi phí tiêm vắc xin cho cá tra giống. Sau khi tiêm 21 ngày, công ty sẽ thu mua cá với giá cao hơn 4.000 đồng/kg so với cá giống không tiêm vắc xin, đồng thời còn cử cán bộ phụ trách theo dõi sau khi tiêm vắc xin cho cá đến khi thu hoạch.
Thời gian tới, HTX Nuôi trồng thủy sản Hưng Thạnh sẽ tiếp tục liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu ổn định đầu ra và để được cung cấp trực tiếp nguồn thức ăn cho cá giống thông qua nguồn vốn điều lệ ban đầu, nhằm giảm chi phí đầu vào cho thành viên.
Bên cạnh đó, HTX sẽ tiếp tục vận động các thành viên thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. HTX cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trên cá tra giống, giúp thành viên nắm bắt thêm kỹ thuật và áp dụng đồng bộ vào nuôi cá để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích nuôi trong thời gian tới.
Thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Tân Hưng có 26 HTX, trong đó có 23 HTX được đánh giá xếp loại hoạt động từ khá trở lên. Song song đó, huyện đã "nâng chất" 73 tổ hợp tác với trên 1.100 thành viên, với ngành nghề hoạt động kinh doanh: Dịch vụ bơm điện, dịch vụ làm đất, sạ giống, phun thuốc, dịch vụ thu hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Huyện Tân Hưng thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn nhằm giúp các HTX thay đổi tư duy sản xuất của nông dân và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. |
Thời gian qua, việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Tân Hưng đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Qua đó, tạo mối liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hướng đến phát triển nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững.
Hiện nay, huyện Tân Hưng đang tiếp tục chuyển giao khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho HTX, tổ hợp tác để tăng năng suất, chất lượng. Huyện cũng huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế hợp tác, giới thiệu ngày càng nhiều công ty, doanh nghiệp uy tín liên kết, bao tiêu sản xuất để phát triển HTX, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, huyện Tân Hưng thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân theo chương trình ứng dụng công nghệ cao phát huy được hiệu quả tích cực. Tính đến nay đã có 11 HTX, hơn 2.200 hộ dân và 16 công ty, doanh nghiệp tham gia với diện tích canh tác liên kết hơn 9.200 ha.
Riêng với ngành hàng lúa gạo, đến tháng 11/2023, nông dân huyện Tân Hưng đã xuống giống trên 10 ngàn héc ta lúa đông xuân 2023 – 2024, phần lớn diện tích đang trong giai đoạn mạ non và đẻ nhánh, lúa phát triển tốt, nông dân tích cực chăm sóc.
Trong vụ đông xuân này, HTX dịch vụ nông nghiệp ấp 1/5 ở xã Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng) đã liên kết với Công ty Khai Phúc Lộc sản xuất 15 ha lúa theo quy trình hữu cơ. Hiện tại, trà lúa được 30 ngày tuổi và phát triển tốt.
Theo lãnh đạo HTX 1/5, trong quá trình sản xuất, công ty cung ứng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và hướng dẫn sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, hỗ trợ tiền bón phân lót và 9 lần phun xịt chế phẩm vi sinh. Trường hợp khi thu hoạch, năng suất trong cánh đồng này thấp hơn bên ngoài thì công ty sẽ hỗ trợ thêm cho bằng với năng suất trung bình của cánh đồng trong khu vực. Đồng thời, công ty sẽ thu mua lúa của nông dân cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch 200 đồng/kg.
Còn HTX dịch vụ lúa mùa nổi xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) hiện đang canh tác 100 ha lúa mùa nổi đang ở giai đoạn từ 53 - 68 ngày tuổi, lúa phát triển tốt. Song song đó, HTX đã phối hợp thả 40 ngàn con cá trê và 72 ngàn con cá lóc giống nuôi trên cánh đồng.
Thời gian gần đây, thành viên HTX này đã tham gia các lớp tập huấn nhằm tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận trong HTX và truy xuất nguồn gốc nông sản, thiết lập mã vùng trồng. Từ đó, giúp nâng cao kỹ năng điều hành hiệu quả bộ máy HTX, đồng thời tạo tiền đề giúp HTX từng bước thực hiện việc thiết lập mã vùng trồng thời gian tới.
Tránh điệp khúc “được mùa, rớt giá”
Để xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và hạn chế rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, các HTX nông nghiệp huyện Tân Hưng cũng chú trọng hơn đến việc tự nâng cao năng lực dự báo thị trường làm cơ sở định hướng cho thành viên phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản và điệp khúc “được mùa, rớt giá” mỗi khi vào mùa thu hoạch.
Trên cơ sở định hướng thời vụ và cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, các HTX ở Tân Hưng đã đưa vào sản xuất một số loại giống lúa chất lượng cao. |
Theo ông Ngân Văn Phi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Tân ở xã Hưng Thạnh, trên cơ sở định hướng thời vụ và cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, HTX đưa vào sản xuất một số loại giống lúa chất lượng cao như ST25, Đài thơm 8,...
Đây là những giống lúa có chất lượng gạo tốt, giá bán cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng cũng cử cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn thành viên HTX về cách chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh cho các giống lúa này nên năng suất, chất lượng được bảo đảm.
Nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp Hưng Tân luôn tạo được niềm tin với các thành viên thông qua việc hỗ trợ các dịch vụ đầu vào và ký kết bao tiêu đầu ra. Chính sự gắn kết này đã giúp HTX hoạt động ngày càng hiệu quả.
Với sự ưu đãi từ các dịch vụ sản xuất của HTX này thời gian qua, nông dân trên địa bàn xã Hưng Thạnh mạnh dạn tham gia HTX, xây dựng chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến thu hoạch.
Theo ông Phi, không dừng lại ở việc hỗ trợ dịch vụ sản xuất, HTX Hưng Tân còn đóng vai trò cầu nối, tạo sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Từ đó, những vụ mùa vừa qua, các thành viên HTX đều có lợi nhuận ổn định và cao hơn so với trước khi tham gia HTX.
Hy vọng rằng với những nỗ lực nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao của các HTX nông nghiệp sẽ góp phần giúp cho hoạt động giảm nghèo ở huyện Tân Hưng sẽ được kéo giảm tốt hơn trong thời gian tới. Nhất là khi tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở huyện này còn chiếm trên 3,5% và tỷ lệ số hộ cận nghèo đa chiều chiếm chiếm gần 6% số hộ dân.
Hơn thế nữa, để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, điều mà huyện Tân Hưng cần làm là tiếp tục thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Theo chia sẻ của ông Huỳnh Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. Trong đó, tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu các sản phẩm theo chuỗi, theo thế mạnh của từng xã, thu hút và khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết với các HTX, tổ hợp tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Thanh Loan