HTX bản Bon (xã Mường Khiêng) là đơn vị đầu tiên trong huyện Thuận Châu tổ chức xuất khẩu sản phẩm quả xoài sang Trung Quốc. Theo tính toán của các thành viên, với giá 10.000 đồng/kg và sản lượng mỗi ha đạt hàng chục tấn quả/năm, người nông dân hoàn toàn có thể giảm nghèo và làm giàu từ cây xoài.
Nâng cao thu nhập
Có được điều này là nhờ HTX bản Bon đã thực hiện liên kết tập trung để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt nhằm giải quyết những khó khăn trong liên kết, chính quyền địa phương đã hỗ trợ HTX bản Bon liên kết với HTX Thanh Sơn để tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc xoài cho các thành viên.
Từ khâu bón phân, cắt tỉa cành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hái đóng gói đều được tổ chức bải bản. Bà con được thực hành theo hình thức "cầm tay chỉ việc" nên ứng dụng vào thực tiễn rất nhanh. Mặt khác, để giúp một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện sản xuất, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, HTX Thanh Sơn còn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức trả chậm.
Ông Cà Văn Yên, Giám đốc HTX bản Bon cho biết nhờ được hướng dẫn và hỗ trợ ở hầu hết các khâu đầu vào nên cây xoài phát triển tốt. Sản lượng vụ xoài năm 2022 của HTX đạt 100 tấn. Trong đó, xuất khẩu gần 70 tấn sang thị trường Trung Quốc, mang lại nguồn thu không nhỏ cho thành viên. HTX đang tiếp tục chăm sóc diện tích xoài theo hướng nông sản sạch để xuất khẩu.
Cũng giúp người dân nâng cao thu nhập nhờ liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, HTX nông nghiệp sinh thái Efarm (xã É Tòng) đã thực hiện nuôi gà đen giống bản địa theo hướng an toàn sinh học với quy mô 3.500 con. Nhờ được sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nên các thành viên HTX áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi gà. Chính vì vậy mà đầu ra cho sản phẩm gà đen bản địa rất thuận lợi.
Để bảo đảm đầu ra, HTX tổ chức cho thành viên nuôi gà theo hình thức gối vụ. Cứ sau 2-3 tháng, HTX lại có thể có một lứa xuất chuồng. Riêng Tết Nguyên đán 2023, HTX xuất bán trên 3.000 con gà đen. Và trong năm nay, HTX đang mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân trong và ngoài xã nuôi hơn 30.000 con gà đen, đồng thời phối hợp với ngành chức năng xây dựng sản phẩm trứng gà đen bản địa thành sản phẩm đặc trưng của xã É Tòng và là sản phẩm OCOP của huyện.
Mô hình sản xuất của HTX Efarm đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân tham gia chuỗi liên kết, từ đó giúp nhiều hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Để có được những kết quả đó, bà Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái Efarm, cho rằng các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với xã É Tòng tổ chức mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học cho các hộ dân. Đồng thời, ngành chức năng cũng thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật nuôi như: Thiết kế chuồng trại, làm quây úm gà, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh cho đàn gà... Chính vì vậy mà các thành viên đã gạt đi được những lo lắng khi đầu tư sản xuất trên quy mô lớn.
HTX là công cụ giảm nghèo
HTX bản Bon và HTX Efarm chỉ là những nhân tố điển hình thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ đắc lực cho người dân ổn định kinh tế, thoát nghèo. Theo thống kê, hiện nay Thuận Châu có 56 HTX đang hoạt động, trong đó có 50 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Vai trò nổi bật và quan trọng của các HTX là hỗ trợ và thúc đẩy hơn 1.000 thành viên và hàng nghìn hộ liên kết phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thông qua đó, các HTX góp phần giải quyết những nhu cầu về sản xuất và đời sống, về kinh tế và xã hội nhất là trong nông nghiệp và nông thôn.
Tuân thủ quy trình sản xuất giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân thoát nghèo. |
Thực tế cho thấy, khi tham gia làm thành viên hoặc hộ liên kết với HTX, các hộ nghèo có điều kiện ổn định và nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, nhờ nội lực và sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều HTX trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao chất lượng hàng hóa, kể cả nguồn hàng cho xuất khẩu.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Pá Lầu Thịnh Vượng, HTX Nông nghiệp Nông Cốc… đã đầu tư cho các khâu sản xuất, đóng gói, bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm. Sự thay đổi và đầu tư của các HTX cũng tạo ra một số thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp như thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi; hướng dẫn các hộ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất làm tăng giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích; đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới cho thành viên, người lao động…
Đặc biệt, một trong những hoạt động hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Thuận Châu được các HTX triển khai hiệu quả nhất và thể hiện HTX là công cụ giảm nghèo đó là hỗ trợ góp vốn xoay vòng trong thành viên. Thành viên nào khó khăn được hỗ trợ cho mượn trước. Ngoài ra những người có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm.
Chị Lò Thị Bưởi cho biết thực tế, thành viên và người dân trên địa bàn luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Việc tổ chức các hoạt động tín dụng mang tính chất nội bộ ở một số HTX cũng như hỗ trợ đầu vào theo hình thức trả chậm là giải pháp phù hợp giúp thành viên, người dân giải quyết khó khăn, vươn lên trong sản xuất kinh doanh.
Nâng cao vai trò của HTX
Theo đánh giá của UBND huyện Thuận Châu, việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX chính là cách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong sản xuất tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách bình đẳng, để họ tự lực vượt qua nghèo đói, cải thiện cơ bản cuộc sống.
Thống kê cho thấy, tỷ lê hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn huyện năm 2022 giảm 7,81%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 (6 - 7%/năm).
Ông Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Thuận Châu, cho biết một trong những giải pháp quan trọng trong giảm nghèo đó là tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua HTX nhằm giúp đồng bào dân tộc thiếu số trong huyện thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Huyện đã hỗ trợ người dân, thành viên HTX là đồng bào dân tộc thiểu số di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở và xây dựng chuồng trại mới. Hỗ trợ 460 hộ cải tạo ao nuôi thủy sản; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 600 người, trong đó có cả các thành viên HTX về kỹ thuật trồng cây, ghép mắt, ủ phân trâu, bò...
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 134, Chương trình 135, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, đời sống đồng bào dân tộc trong huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt. Người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hình thành, cho hiệu quả kinh tế cao.
Để hướng đến mục tiêu đưa Thuận Châu thoát nghèo, huyện đang khuyến khích nhân dân, người lao động tham gia các HTX, đồng thời phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xóa đói, giảm nghèo.
Song song đó, huyện cũng cùng với tỉnh xem xét hoàn thiện khung khổ chính sách để hỗ trợ HTX phát huy vai trò và tham gia tích cực vào các chương trình trong chiến lược giảm nghèo.
Tùng Lâm