Bà Chu Thị Vinh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển HTX là việc cần phải làm. Các HTX khi ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất sẽ tăng được sự liên kết, hợp tác với nhau, không những giúp các thành viên HTX tại địa bàn mà còn liên kết được với các HTX trong cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài khi có cùng chí hướng, cùng ngành nghề, cùng mục tiêu.
Xoá đói, giảm nghèo nhờ bí xanh thơm
Quả bí xanh thơm, loại cây bản địa được trồng ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn từ rất lâu, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương. Bí xanh Ba Bể có hai loại, một loại vỏ xanh đậm được gọi là bí xanh thơm và một loại vỏ có phủ phấn trắng bên ngoài gọi là bí phấn thơm.
Bí xanh thơm được coi là cây giảm nghèo của các xã Yến Dương và Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. |
Tuy gọi là đặc sản, nhưng sản phẩm bí xanh thơm chủ yếu là bán cho khách qua đường, hoặc làm quà biếu của người dân địa phương. Một số ít được vận chuyển bằng xe máy, xe khách đến với các nhà hàng tại thành phố Bắc Kạn và gần như không có tên tuổi trên thị trường cả nước.
Sau năm 2018, một số HTX được thành lập với vai trò hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ bí xanh thơm. Chính từ đó đã mở ra bước ngoặt để đưa quả bí xanh thơm Ba Bể trở nên nổi tiếng trên cả nước, xuất hiện trên kệ hàng của nhiều hệ thống siêu thị lớn và các cửa hàng đặc sản tiêu biểu ở các thành phố.
Trên địa bàn huyện Ba Bể đã có 3 HTX (HTX Yến Dương; HTX Thanh Đức; HTX Nhung Lũy) liên kết với các nông hộ để bao tiêu sản phẩm bí xanh thơm. Khi mùa thu hoạch đến, các HTX này thu mua, kết nối với các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, một số HTX cũng chế biến quả bí thành những sản phẩm như trà bí xanh, bí xanh khô…
Hiên nay, hầu hết các HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và bảo quản giúp năng suất quả bí xanh tăng cao, đồng thời cho thu nhập hơn 10 lần so với nhiều cây trồng khác, từ 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Cây bí xanh thơm ở huyện Ba Bể đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực để thoát nghèo của người dân nơi đây.
Bà Ma Thi Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, bí xanh thơm Ba Bể đã là sản phẩm OCOP nên việc tiêu thụ thuận lợi, các siêu thị ngày càng nhập nhiều hàng hơn. Bên cạnh đó, HTX cũng thu mua tích trữ để chế biến nên đầu ra của quả bí xanh thơm cơ bản được đảm bảo.
Bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy, xã Yến Dương chia sẻ: “Đây là loại cây giảm nghèo của chúng tôi, đặc biệt ở hai xã Yến Dương và Địa Linh. So với trồng lúa, trồng ngô hay các loại hoa màu khác, trái bí này đem lại giá trị cao gấp khoảng 10 lần. Vì thế, bà con rất đầu tư chăm sóc, coi nó là nguồn thu nhập chính”.
Theo lãnh đạo huyện Ba Bể, khi các HTX ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào chắc chắn sẽ giảm được sức lao động, công vệc nhanh, hiệu quả hơn trong quá trình theo dõi tăng trưởng, sản xuất. Thay vì trước đây người dân phải đến từng gốc cây để chăm bón, kiểm tra dịch bệnh,… thì nay có thể dùng hệ thống tưới cây tự động hoặc kiểm tra, theo dõi sức khỏe cây qua các app…
Bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống, người dân đã biết bán hàng qua các nền tảng công nghệ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, mã QR…, qua đó tạo được lòng tin của khách hàng, đối tác với sản phẩm và dần tạo được thương hiệu sản phẩm.
Còn nhiều khó khăn
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực KTTT vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, nhiều HTX có nguồn lực hạn chế nên chưa đầu tư được trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chưa hiểu rõ cách thức triển khai thực hiện chuyển đổi số trong khâu sản xuất; việc tổ chức sản xuất đa phần vẫn theo phương thức truyền thống, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng công nghệ lạc hậu, trình độ nguồn nhân lực hạn chế…
Chuyển đổi số sẽ giúp HTX tạo được sản phẩm có quy chuẩn tốt, chất lượng cao, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm. |
Hơn nữa, các cán bộ quản lý HTX ở các khu vực này phần lớn là người lớn tuổi, vận hành HTX chủ yếu bằng kinh nghiệm truyền thống. Việc này có ưu điểm là sẽ tạo được uy tín trong hợp tác nhưng nhược điểm là khi tiếp cận với khoa học công nghệ, chuyển đổi số thì đội ngũ lãnh đạo sẽ gặp trở ngại, hạn chế hơn các lứa tuổi khác, nhất là lớp trẻ.
Với các HTX có quy mô nhỏ, chưa phát triển sẽ chưa nghĩ đến việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, nên chưa nghĩ đến việc đầu tư hạ tầng. Vì thế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi cho chuyển đổi số chưa cao.
Theo bà Vinh, trong tất cả các giải pháp khắc phục khó khăn của KTTT không chỉ ở khoa học công nghệ, chuyển đổi số mà còn ở các lĩnh vực khác.
Trong đó, bà Vinh cho rằng cần phải tuyên truyền vai trò của KTTT, HTX, tổ hợp tác (THT) để người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc miền núi biết về lĩnh vực này, từ đó họ có thể tìm hiểu về việc xây dựng THT, HTX sẽ đem lại lợi ích gì cho mình. Khi người dân đã có nhận thức, tham gia vào THT, HTX, họ sẽ thích ứng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số để đảm bảo phát triển bền vững.
Ví dụ, trước đây, người dân chỉ trồng trọt, chăn nuôi phục vụ dân sinh thông thường, họ không có nhu cầu phát triển cao hơn. Tuy nhiên, khi thành lập HTX, họ muốn đưa sản phẩm đi lên, phát triển sản phẩm ra ngoài thị trường, cao hơn nữa là xuất khẩu, chắc chắn phải có tiêu chí, tiêu chuẩn của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính, và lúc này các HTX sẽ phải ứng dụng chuyển đổi số để tạo được sản phẩm có quy chuẩn tốt.
Là một trong những HTX tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Mỗi người nông dân cần nâng cao tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát có 19 thành viên, trồng hơn 50 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cây mận hậu với diện tích 35 ha.
Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa tạo niềm tin với khách hàng. Ngoài ra, HTX đã chủ động tiêu thụ sản phẩm qua các khách hàng truyền thống, sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội facebook, zalo...
"Nhờ đó, tổng doanh thu năm 2022 của HTX đạt hơn 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên thu được hơn 120 triệu đồng", ông Toàn nói.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặt mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 3.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Theo các chuyên gia, vừa qua, Luật HTX năm 2023 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024 sẽ thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong HTX. Tuy nhiên, để Luật sớm đi vào cuộc sống, các Nghị định hướng dẫn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về KTTT.
“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng các nghị định hướng dẫn, thông tư hướng dẫn về nghị định… Hy vọng trong năm 2024 và 2025, chúng tôi sẽ hoàn thiện tất cả các khung pháp lý, cơ chế, chính sách để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua, để thúc đẩy, hỗ trợ HTX phát triển”, bà Vinh cho hay.
Đặc biệt, vừa qua Quốc hội cũng giao cho Chính phủ xây dựng 3 Nghị quyết về KTTT, trong đó có Nghị quyết xây dựng về chương trình tổng thể HTX. Khi có chương trình này sẽ khắc phục được hạn chế về nguồn lực mà hiện nay đang lồng ghép, đang thiếu hụt. Đây cũng là Nghị quyết cụ thể hóa chính sách, quy định tại Luật HTX năm 2023, giúp các HTX, THT tiếp cận nhanh nhất…, để từ đó tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước với các HTX, gắn liền với công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về KTTT, HTX. Đây chính là những giải pháp phát triển KTTT, HTX gắn với công tác giảm nghèo.
Hoàng Hà