Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX hiện có 40 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 63 ha, chuyên trồng các loại rau, củ, quả ôn đới như cải thảo, xà lách, su hào, cà chua, cà tím, bí nhật… theo quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao.
An toàn để bền vững
Năm 2017, HTX trở thành 1 trong 45 cơ sở sản xuất được UBND Tp.Đà Lạt cấp chứng nhận độc quyền sử dụng nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” trên sản phẩm cung ứng đến hệ thống siêu thị và các chợ thực phẩm đầu mối ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Anh Trần Thiện Thanh - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Sản xuất an toàn là xu thế tất yếu để bảo đảm sự phát triển bền vững. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã hướng thành viên theo quy trình sản xuất hữu cơ, với những tiêu chuẩn cao về KH-KT, vệ sinh thực phẩm (VSTP) và ATLĐ”.
Cà chua VietGAP của HTX Thiện Thanh |
Sản xuất theo hướng hữu cơ, thành viên HTX được hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, điển hình như xây dựng nhà kính, nhà lưới, trang bị hệ thống phun sương, tưới nước, thắp sáng tự động, sử dụng nguồn đất, nước chất lượng cao…
So với phương pháp truyền thống, sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ có năng suất giảm 20 - 30%, song giá bán cao hơn 30 - 50%, hiệu quả kinh tế cao hơn 10 - 20%, đồng thời, các tiêu chuẩn về ATLĐ, VSTP, môi trường được bảo đảm.
Sản xuất rau VietGAP từ năm 2016, anh Nguyễn Thanh Nhàn - thành viên liên kết của HTX, chia sẻ gia đình anh đang triển khai sản xuất trên tổng diện tích hơn 7 ha, trong đó, có 1 ha nhà lưới và 1 ha nhà kính. 100% diện tích sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ của HTX.
Trang trại nhà anh đang cung cấp việc làm cho hơn 30 lao động. Để bảo đảm sản xuất, anh thuê riêng một kỹ sư nông nghiệp làm cố vấn, chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Dưới sự quản lý của HTX, mọi hoạt động sản xuất đều phải rõ ràng, bài bản, không còn manh mún, cảm tính như trước.
Tạo chỗ đứng vững chắc
"Năm 2016, giữa HTX và thành viên đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, quy định rõ ràng về các dòng sản phẩm, điều kiện nghiêm ngặt về đất đai, nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác…”, Giám đốc HTX Trần Thiện Thanh cho hay.
Cụ thể, phía HTX phải chịu trách nhiệm tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm giá thành và lợi nhuận cho các hộ thành viên. Ngược lại, các hộ sản xuất phải ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, tuân thủ quy trình VietGAP, bảo đảm quy định về ATLĐ, VSTP.
Nhờ sản xuất an toàn, tuân thủ quy trình VietGAP, sản phẩm của HTX ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, việc đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn giúp HTX trở thành đối tác của VinEco, tạo điều kiện để thâm nhập các kênh phân phối thực phẩm sạch có uy tín như VinMart, VinMart+…
Bên cạnh thị trường siêu thị, đến nay, rau VietGAP của HTX đang có chỗ đứng vững chắc tại nhiều khu chợ đầu mối ở Thủ Đức, Bình Điền (Tp.HCM), Long Khánh (Đồng Nai) và các tỉnh Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu… với tổng sản lượng trung bình 150 tấn/tháng, doanh thu 1,1 tỷ đồng.
Năm 2017, qua kết quả kiểm tra quy trình đạt chuẩn VietGAP trên 52 ha của 33 hộ gia đình thành viên HTX, UBND Tp.Đà Lạt đã ban hành quyết định cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt” cho HTX Thiện Thanh.
“Được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt” là bước ngoặt quan trọng giúp các sản phẩm của HTX nâng cao uy tín với các đối tác liên kết, đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước”, Giám đốc Trần Thiện Thanh nhấn mạnh.
Với những thành công đang có, HTX đang hướng tới mở rộng diện tích lên trên 100 ha, hoàn thiện hệ thống kho sơ chế, đóng gói đạt chuẩn, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến các cửa hàng bán lẻ… mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho thành viên, hộ liên kết.
Thu Huyền