Huyện Gia Bình có nhiều thế mạnh trong phát triển nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất hàng năm vào khoảng 11.000 ha, trong đó diện tích cấy lúa xấp xỉ 8.700 ha, còn lại là diện tích nuôi trồng thủy sản và đất chuyên trồng mầu trên đất bãi ven sông.
Phát huy lợi thế
Năm 2013, Gia Bình chính thức hoàn thành công tác "dồn điền đổi thửa", đây là điều kiện thuận lợi để huyện chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng thay dần sức lao động của người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất chuyên canh tập trung với các giống cây trồng có năng suất chất lượng cao.
Gia Bình đang dành nhiều nguồn lực phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với bảo vệ môi trường (Ảnh Tư liệu) |
Với những lợi thế trên, huyện Gia Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng một số cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đất đai, khí hậu trên địa bàn huyện.
HTX nông nghiệp Hoàng Gia (xã Bình Dương) đang là một trong những điển hình trong phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP gắn với bảo vệ môi trường sinh thái ở Gia Bình.
Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Gia, cho biết sau hơn 2 năm phát triển, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất trên 10 ha, sản xuất nhiều loại rau, củ chất lượng cao theo hướng thủy canh.
Để đón đầu nông nghiệp 4.0, bắt kịp xu hướng thị trường, kể từ khi thành lập, HTX đẩy mạnh khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong quá trình sản xuất, HTX đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn. Đối với cây rau muống sẽ được trồng tạo phôi bên ngoài nhà lưới, sau khoảng 50 ngày sẽ được cắt đem thả vào nhà lưới trồng theo phương pháp thủy canh.
Theo Giám đốc Trần Văn Hiển, bên cạnh giá trị kinh tế, ưu điểm của phương pháp thủy canh là giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, hoá chất độc hại và phân bón, từ đó hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
“Trước đây, tình trạng lạm dụng hóa chất, vỏ bao bì, chai lọ vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sản xuất. Vì vậy, khi vào HTX, việc đầu tiên chúng tôi làm là tập huấn để bổ sung kiến thức và thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn cho thành viên”, ông Hiển nhấn mạnh.
Hình thành vùng liên kết
Hiện tại, trên địa bàn huyện Gia Bình cũng đã hình thành các vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, điển hình như vùng sản xuất rau thủy canh với diện tích 5 ha tại xã Bình Dương, 20 ha sản xuất rau an toàn tại HTX Ngăm Mạc, sản xuất giống lúa Nhật rộng 10 ha tại xã Đông cứu…
Dưới sự dẫn dắt của HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Ngăm Mạc, huyện Gia Bình đang hưởng lợi kép cả về kinh tế và môi trường từ mô hình trồng rau sạch với cây chủ lực là ớt chỉ thiên.
Sản xuất sạch, giàu khoa học - kỹ thuật là điểm tựa đem đến giá trị bền vững cho người nông dân (Ảnh TL) |
Mô hình trồng ớt chỉ thiên được HTX Ngăm Mạc chính thức triển khai từ năm 2016. Sau hơn 4 năm, mô hình đang cho hiệu quả cao về kinh tế với lợi nhuận bình quân 6 – 8 triệu đồng/sào.
Để nâng cao giá trị, các hộ dân tham gia mô hình được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ giống, tập huấn sử dụng phân bón đúng cách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, phù hợp thị trường…
Sở hữu hơn 4 sào đất trồng ớt, bà Nguyễn Thị Khanh (xã Ngăm Mạc) cho hay không chỉ về kinh tế, mô hình trồng ớt đang mang lại những lợi ích về môi trường, sức khỏe. Vào HTX, các thành viên được tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP.
“Các loại hóa chất độc hại bị loại bỏ, thay vào đó chúng tôi sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để vừa tốt cho cây trồng, vừa bảo vệ môi trường sinh thái”, bà Khanh chia sẻ.
Ngoài ra, toàn bộ bao bì, chai lọ, các chất thải rắn trong quá trình sản xuất đều được thành viên HTX Ngăm Mạc tập trung đúng nơi quy định và xử lý đúng cách, từ đó hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước trên khu vực canh tác.
Hiệu quả của các HTX cùng những chính sách thúc đẩy nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường đang giúp Gia Bình liên tục nâng cao giá trị sản xuất. Từ đây, huyện đang phấn đấu đưa năng suất lúa bình quân cả năm lên 6 – 7 tấn/ha, giá trị trồng trọt/ha canh tác đạt hơn 112 triệu đồng.
Hưng Nguyên