HTX Giảm nghèo Ea Súp hiện là một trong 3 HTX trên toàn tỉnh Đắk Lắk được lựa chọn hỗ trợ từ nguồn xây dựng nông thôn mới của Trung ương, làm tiền đề để triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với phát triển du lịch nông thôn.
Lúa đồng bằng bén duyên đất Tây Nguyên
Giám đốc Nguyễn Việt Đức cho biết, Ban điều hành HTX Giảm nghèo Ea Súp trước đây hầu hết là thành viên từng tham gia dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Sau quá trình làm việc, gắn bó với người dân tại Ea Súp, anh Đức cùng với cộng sự muốn tiếp tục duy trì hoạt động và liên kết với các nhóm được dự án hỗ trợ sinh kế.
Các giống lúa đặc sản thích hợp với điều kiện tại huyện Ea Súp, mang lại giá trị kinh tế cao (Ảnh: TL) |
Đầu năm 2019, HTX Giảm nghèo Ea Súp được thành lập, với các thành viên là những nông dân tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.
Ea Súp là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển cây lúa nhưng xưa nay bà con đã quen với phương thức canh tác truyền thống, sử dụng lúa giống tại đồng ruộng từ vụ này qua vụ khác khiến năng suất thấp. Lúa gạo làm ra bị ép giá vì tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái tự do. Đại diện HTX Giảm nghèo Ea Súp đã đến các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu về nguồn lúa giống.
Nhận thấy giống lúa thơm ST24 (Sóc Trăng 24) cho ra hạt gạo chuẩn dài, trắng, cơm dẻo, thơm mùi lá dứa, HTX đã khảo nghiệm tại Ea Súp và vận động các thành viên trong HTX chuyển qua sử dụng giống lúa mới với cam kết thực hiện bao tiêu sản phẩm cho người dân. Giám đốc Nguyễn Việt Đức cho rằng, giống ST24 thích hợp với điều kiện canh tác tại Ea Súp, cho năng suất cao hơn các giống người dân sử dụng trước đây. Đồng thời, việc sử dụng giống lúa mới cũng giúp cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng hơn.
Đến nay, HTX Giảm nghèo Ea Súp có 8 thành viên, tổng diện tích canh tác 35ha. Các thành viên còn xây dựng quy trình canh tác “5 không, 5 phải” và chuyển từ canh tác 3 vụ sang 2 vụ/năm để nâng cao chất lượng lúa gạo.
Ngoài việc sử dụng giống lúa mới, HTX cũng liên kết thêm với các hộ nông dân tiếp tục phát triển các giống lúa đặc sản địa phương là lúa đen Ea Súp và Khẩu Xiên Lăm.
Sự đổi mới trong canh tác cây lúa ở Ea Súp đã bước đầu đem lại hiệu quả. Riêng vụ đông xuân năm 2020, năng suất lúa trung bình đạt 8,3 tấn/ha. Giám đốc Nguyễn Việt Đức cho biết, HTX Giảm nghèo Ea Súp hiện đã xây dựng được chuỗi liên kết từ vùng sản xuất, khâu chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Gạo ST24 trồng tại Ea Súp đã nhận được phản hồi tốt về chất lượng từ người tiêu dùng.
Giấc mơ từ “mùa vàng” đầu tiên
Với mong muốn xây dựng một vùng sản xuất lúa an toàn, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, HTX đã vận động được 2 thành viên tham gia trồng lúa ST24 và lúa Briết theo phương thức hữu cơ trên diện tích 3,5ha. Mặc dù năng suất lúa trên diện tích chuyển qua làm hữu cơ chỉ đạt 6 tấn/ha, thấp hơn so với năng suất trung bình nhưng giá bán luôn cao hơn từ 2.000 - 4.000 đồng/kg lúa tươi.
HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 9.000 đồng/kg lúa tươi ST24, cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với các loại lúa khác (Ảnh: TL) |
Anh Đào Văn Thành Tâm (32 tuổi) - một trong 2 thành viên tham gia khảo nghiệm mô hình trồng lúa ST24 theo phương thức hữu cơ chia sẻ: “Để trồng lúa hữu cơ, gia đình tôi đã bỏ một vụ làm trước đó để cải tạo đất, chấp nhận chịu năng suất thấp hơn để giảm dư lượng chất có hại. Các chế phẩm sinh học được thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Tôi cũng gieo thưa giống và phun ngừa đúng thời điểm để hạn chế sâu bệnh”.
Đại diện HTX Giảm nghèo Ea Súp cũng cho biết, trong năm 2019, HTX đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 3 sản phẩm: Gạo Khẩu Xiên Lăm, gạo đen Briết và tinh dầu xả java. Trong năm 2020, Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp tiếp tục hỗ trợ HTX hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Cuối tháng 4 vừa qua, tại cánh đồng thôn 14B, xã Ya Tờ Mốt, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã tổ chức thu hoạch và nghiệm thu sản phẩm lúa Briết và ST24 canh tác theo quy trình hữu cơ.
Theo đó, mô hình sản xuất lúa Briết có diện tích 1ha, thời gian canh tác 117 ngày, năng suất thu hoạch đạt 6,5 tấn lúa tươi/ha; mô hình sản xuất lúa ST24 có diện tích 2,5ha, thời gian canh tác là 127 ngày, năng suất đạt 6 tấn lúa tươi/ha. Cả hai mô hình đều sử dụng hoàn toàn các loại phân hữu cơ, phân vi sinh, chế phẩm sinh học để bổ sung dinh dưỡng và phòng ngừa sâu bệnh.
Theo đánh giá của HTX Giảm nghèo Ea Súp, năng suất lúa canh tác theo quy trình hữu cơ đạt khoảng 70% so với quy trình canh tác sử dụng các biện pháp hóa học. Tuy nhiên, giá trị thương mại của gạo canh tác theo hướng hữu cơ cao hơn nhiều so với canh tác theo quy trình thông thường. Vì vậy, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 9.000 đồng/kg lúa tươi đối với lúa ST24 và 11.000 đồng/kg lúa tươi đối với lúa Briết, cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với các loại lúa khác cùng thời điểm.
Kết quả của 2 mô hình trên là tiền đề để HTX Giảm nghèo Ea Súp nhân rộng trong vụ hè thu năm 2020, phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại huyện Ea Súp.
Đức Nguyễn