Từ một công ty TNHH chuyển thành tập đoàn có 4 công ty hoạt động theo những lĩnh vực khác nhau như trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, giao dịch bất động sản... với diện tích rộng trên 30.000m2, doanh số hàng năm khoảng 2,5 triệu USD/năm là thành công của một doanh nhân người Việt tại nước ngoài. Tuy nhiên, để có được kết quả này, ông Dương Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thương mại Dịch vụ Vitakom+ (Liên bang Nga) cũng đã phải trải qua một quãng thời gian dài vật lộn với những khó khăn và thử thách. KINH DOANH đã có cuộc trao đổi với ông nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ông Dương Xuân Dũng,
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn
Thương mại Dịch vụ Vitakom+ (Liên bang Nga)
--------------------------------------------
Tại sao ông lại quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất mới này?
Tôi xuất thân là người lính, đã có thời gian trong quân ngũ, rồi làm giáo viên trong nhà trường quân đội. Sang làm việc và sinh sống tại nước Nga đã 24 năm, đôi khi tôi cũng mong muốn trở về quê hương, nhưng với thời gian đã sống ở nước ngoài cũng đã lâu tạo cho chúng tôi những thói quen cũng như nhiều mối quan hệ tại nước sở tại.
Khi mới sang, để tồn tại được nơi xứ người, chúng tôi đã phải làm rất nhiều việc, theo xu thế chung người Việt tại thời điểm đó. Nhưng cũng chưa ai dám làm một cái gì đấy thật lớn, dù ý định đã có. Khi Liên Xô tan rã, mặc dù chưa hết hạn và chắc chắn sẽ phải về nước, nhưng xí nghiệp tại đây không hỗ trợ chúng tôi tiền vé về. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, không còn cách nào khác, chúng tôi đành ở lại kiếm sống cho qua ngày, với hy vọng mong manh đến lúc nào đó đủ tiền thì sẽ trở về quê hương.
Trong thời khắc khó khăn như thế, ông đã làm gì để tự cứu lấy mình, trước khi nhờ người khác?
Chất lính đã ngấm vào máu, với tâm niệm mình phải tự cứu lấy mình trước khi người khác cứu, ngay từ năm 1992, tôi cũng đã có ý định làm một khu kinh doanh cho người Việt tại đây. Bởi khi đó, xã hội ở đây thay đổi hết sức nhanh chóng, tình hình an ninh rất phức tạp, mong muốn người Việt có một khu tập trung để sinh sống và có thể đùm bọc được nhau. Nhưng thực tế để làm được điều này hết sức khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, lại là lớp người cũng đã có tuổi, trong lúc giao thời và bất ổn như vậy, nếu làm ăn chân chất quá cũng không phù hợp, chính điều này đã dẫn đến thất bại và không đạt được kết quả gì khi bắt tay vào làm.
Cho đến năm 2003, tôi mới bắt tay vào làm nhưng cũng rất mệt mỏi, bởi thực tế họ vẫn nhìn nhận chúng tôi như những người đi "ở nhờ", nếu đã có bề dày kinh nghiệm cùng với thời gian sống tại đây lâu thì điều kiện kinh doanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Mong muốn được trở thành ông chủ dù rất nhỏ bé nhưng vẫn có những mặc cảm. Chẳng hạn, tại thời điểm chúng tôi đứng ra thuê đất làm trung tâm thương mại, gọi là "trung tâm" cho oai thôi, chứ thực ra chỉ là cái chợ con con mà cũng không hề đơn giản, chúng tôi phải mất gần 5 tháng bị gây khó khăn mặc dù không sai phạm.
Tôi đã xác định tư tưởng, làm ở đâu cũng giống nhau cả, cơ bản là mình phải tạo được niềm tin đối với người bản xứ cũng như người Việt mình. Từ năm 2003 - 2008, từ chỗ chỉ có gần 200 quầy, đã phát triển được tới gần 2.000 quầy hàng. May mắn cho chúng tôi là mở ra đến đâu là có người thuê đến đấy. Với tôi, quan hệ làm ăn với người Nga hay Việt đều tốt cả, cạnh tranh thoải mái nhưng phải trên quan điểm sòng phẳng.
Để thành đạt ngay trong nước cũng đang còn là bài toán khó giải đối với nhiều doanh nhân. Vậy, với một người thành danh ở xứ người, ông có gặp phải những khó khăn nào không?
Khi kinh doanh ở nước ngoài, khó khăn có thể nhiều hơn so với trong nước. Ở nước ngoài, mặc dù đã ổn định nhưng vẫn ẩn chứa rất nhiều rủi ro, bởi nếu không biết tự xây dựng được thương hiệu riêng cho mình, mà thương hiệu này chủ yếu bằng niềm tin là chính, thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại được. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi luôn cố gắng làm sao tạo được niềm tin với người bản xứ, từ người dân đến cơ quan chính quyền. Chẳng hạn như với công ty chúng tôi, những người đến thuê quầy hàng, văn phòng hay qua các văn phòng giao dịch bất động sản... nếu thực sự họ không đặt niềm tin thì sẽ không bao giờ họ đến với chúng tôi.
Người Nga nhìn nhận và đánh giá thế nào về những người Việt đang sinh sống và kinh doanh tại đây, thưa ông?
Người Việt ở đây thường được ưu ái hơn so với các nước khác, bởi vì tình hình tội phạm trong cộng đồng người Việt thường rất ít. Họ cũng nhận xét người Việt ở Nga sống ôn hòa, chủ yếu làm ăn và có ý thức chấp hành pháp luật của nước sở tại. Sự thích nghi với môi trường mới của người Việt mình rất nhanh nhạy. Tôi đã có điều kiện qua Ba Lan, Czech... và nhận thấy rằng ở đâu cũng vậy, người Việt Nam thường chịu khó và thích nghi nhanh.
Sau 24 năm sống và kinh doanh ở Nga, lúc đi thì chỉ có hai bàn tay trắng, giờ đây đã là một doanh nhân thành đạt nơi xứ người. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với doanh nhân trẻ trong nước?
Thực ra, kinh doanh ở mỗi vùng, mỗi địa phương ở trong nước hay nước ngoài thì có nhiều điểm không giống nhau. Tuy nhiên, ở đâu cũng thế, điều quan trọng nhất là phải biết xây dựng cho mình một thương hiệu. Từng chủ doanh nghiệp phải biết tự đứng trên chính đôi chân của mình thì sự thành đạt sẽ bền vững hơn. Bản thân tôi đã có thời gian rất thành đạt, nhưng rồi lại tay trắng… Có người ngã có thể đứng dậy được, nhưng cũng có nhiều người ngã rồi là nằm luôn, không thể tự đứng lên được nữa.
Việt Nguyễn thực hiện