Phong Điền đang chú trọng phát triển nông nghiệp sạch |
Lợi ích môi trường từ sản xuất sạch
Đối mặt với hệ quả của nông nghiệp vô cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, những năm qua, huyện Phong Điền đã chủ động đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đặc biệt là xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được chú trọng.
Có gần 350 hộ dân phát triển vùng rau rộng trên 50 ha, xã Điền Lộc đang là địa phương tiêu biểu của huyện trong phát triển phương thức sản xuất sạch, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.
Năm 2018, được sự hỗ trợ kinh phí từ huyện, xã và HTX Nông nghiệp Điền Lộc, xã Điền Lộc đã phát triển sản xuất 3.800m2 rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Nhất Đông.
Đến nay, xã đã cho ra đời nhiều loại rau sạch chất lượng cao như xà lách, ngò rí, cải ăn lá, rau dền, dưa leo, mướp đắng, ớt... Nhờ chất lượng cao, các sản phẩm được công ty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert (Hà Nội) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Dương Thái (thôn 1, xã Điền Lộc) cho biết: “Nhà tôi triển khai sản xuất theo hướng hữu cơ từ cuối năm 2017. Để đảm bảo quy trình chuẩn VietGAP, tôi đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà lưới. Trong quá trình sản xuất, tôi loại bỏ hoàn toàn các chất hóa học như thuốc BVTV, phân bón hóa học nên sức khỏe được đảm bảo. Sản phẩm làm ra có chất lượng vượt trội, được thị trường đón nhận”.
Bên cạnh rau sạch, lúa hữu cơ cũng đang cho thấy hiệu quả cao. Năm 2016, HTX Nông nghiệp An Lỗ (xã Phong Hiền) đã bắt tay xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 24ha, đến năm 2018, HTX mở rộng diện tích lên 32ha.
Ông Nguyễn Ba - Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ, cho biết: “Bước đầu sản xuất lúa hữu cơ, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do không dùng phân bón hóa học và thuốc BVTV nên sức khỏe được đảm bảo, lượng chất độc tồn đọng được giảm thiểu giúp cải thiện môi trường”.
Nhờ sản xuất sạch, nông nghiệp của huyện đang cho hiệu quả tích cực |
Xây dựng các mô hình điểm
Đại diện UBND huyện Phong Điền cho biết để giúp các hộ dân phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, huyện đã hỗ trợ 180 triệu đồng giúp các hộ đúc 600 cọc bê tông, đầu tư kinh phí rào lưới để đưa vào sản xuất trong năm 2019. Về lâu dài, huyện, xã sẽ liên kết với một số cửa hàng rau sạch ở Tp. Huế và các trường mầm non trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và hướng đến năm 2025, những năm qua, huyện Phong Điền đã tích cực triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng đến một số cây trồng, vật nuôi chủ lực.
Năm 2017-2018, Phong Điền đã liên kết với các doanh nghiệp Quế Lâm, Huế Việt, Huế Xưa, Hưng Cúc (Thái Bình)… để sản xuất 58ha/năm lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao ở các xã Phong Hiền, Điền Lộc, Điền Hòa; gần 1ha rau các loại ở xã Phong Hiền, Phong An; 5ha bưởi, thanh trà tại xã Phong Thu theo quy trình VietGAP; sản xuất lúa theo hướng VietGAP trên 2.000ha...
Trong chăn nuôi, huyện đã phối hợp triển khai mô hình nuôi gà thảo dược ở bản Hạ Lang (xã Phong Mỹ) với số lượng gần 1.000 con; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng không dùng chất kháng sinh ở các xã vùng Ngũ Điền…
Ông Nguyễn Văn Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo nông dân sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, trước hết là sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp sạch, qua đó, mở ra hướng phát triển bền vững trong nông nghiệp, nông dân.
Phượng Vỹ