HTX đang áp dụng phương thức sản xuất giàu khoa học - kỹ thuật (Ảnh Tư liệu) |
Thay đổi tư duy sản xuất
HTX Thắng Lợi là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia mô hình “cánh đồng lúa liên kết” của tỉnh Đồng Tháp từ những năm 2010. Mô hình cánh đồng liên kết được áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo.
Cánh đồng liên kết cũng được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng nhằm quản lý tốt chế độ nước và dễ dàng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Để đảm bảo tính hiệu quả của mô hình, HTX Thắng Lợi đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng, nhà khoa học tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm cho nông dân, cùng nông dân trao đổi, hướng dẫn cách ghi chép sổ tay tình hình sản xuất lúa (nhật ký mô hình).
Sự đồng hành của các đơn vị liên kết giúp thành viên và hộ nông dân liên kết của HTX dần thay đổi thói quen, tư duy canh tác từ manh mún, lạc hậu sang sản xuất hiện đại, chú trọng khoa học – kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh thực phẩm.
Đơn cử, thời gian qua, HTX Thắng Lợi đã liên kết với doanh nghiệp để vận hành Trạm giám sát sâu rầy thông minh, một sáng kiến mới trong nông nghiệp, cho hiệu quả thiết thực.
Giám đốc HTX Thắng Lợi, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết Trạm giám sát sử dụng ánh sáng đèn Led để kích thích và dẫn dụ sâu rầy trên diện rộng; sử dụng camera trí tuệ nhân tạo để thực hiện giám sát.
Trạm có mạng lưới tự động nhận diện, thống kê số lượng, mật độ, các chủng loại sâu rầy; tự động đưa ra các cảnh báo và dự báo sâu rầy thông qua phần mềm quản lý trung tâm SaaS; tự động vệ sinh sạch sâu rầy sau quá trình hoạt động.
Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ mới giúp HTX thành công, mở hướng làm giàu cho thành viên (Ảnh TL) |
Hiệu quả kinh tế gia tăng
“Ứng dụng khoa học – kỹ thuật mang lại rất nhiều tiện ích cho nông dân. Bây giờ, chuyện sâu rầy không phải quá lo lắng nữa. Nay chỉ cần mở phần mềm cài sẵn trên điện thoại là có thể nắm tình hình, sau đó mới quyết định phun thuốc hay không, chứ không phải như trước đây cứ thấy sâu rầy là xịt ngay”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Sự thay đổi trong tư duy sản xuất và chủ động trong ứng dụng công nghệ mới giúp hiệu quả sản xuất của HTX Thắng Lợi ngày càng gia tăng, mở ra cơ hội xây dựng kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho thành viên, hộ liên kết.
Theo thống kê, đến nay, trên 90% diện tích cánh đồng của HTX đã áp dụng phương pháp sạ hàng thủ công và sạ hàng bằng máy, giúp nông dân tiết kiệm 60 kg lúa giống/ha/vụ, đồng thời lượng phân bón giảm 15 kg/ha. Các khâu làm đất, tưới tiêu và thu hoạch của HTX cũng được cơ giới hóa hoàn toàn.
Sản xuất hiện đại giúp HTX tiết kiệm 250 - 400 đồng/kg lúa thương phẩm, chênh lệch lợi nhuận vào khoảng 3 – 3,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất cũ.
Phương thức sản xuất mới cũng giúp HTX thu hút nhiều doanh nghiệp về đầu tư, hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, vật tư và bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm ha lúa, đảm bảo lợi nhuận cao cho nông dân.
Chi phí sản xuất giảm, thị trường tiêu thụ được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, nông dân liên kết của HTX Thắng Lợi ngày càng được nâng cao. Hiện, 100% thành viên, hộ liên kết của HTX đã thoát nghèo, hàng chục hộ vươn lên làm giàu, có nhà lầu, xe hơi.
Nhật Minh