Trong kế hoạch giảm nghèo của TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu giảm từ 25 - 30% số hộ nghèo hàng năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn không còn hộ nghèo. Năm 2023, Hà Nội phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo, tương đương giảm 642 hộ nghèo.
HTX tạo việc làm ổn định cho các thành viên
Để đạt mục tiêu trên, thời gian qua, kinh tế tập thể, HTX ở Hà Nội đã có nhiều chuyển biến cả về chất và về lượng. Nhiều HTX làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn thành viên, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà Thành phố đặt ra.
Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm mây tre đan truyền thống, HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) trở thành “điểm tựa” trong việc xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân tại địa phương.
![]() |
HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) trở thành “điểm tựa” trong việc xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân tại địa phương. |
Được thành lập từ năm 1976, với phương châm "vì nhân dân phục vụ", những năm qua HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa đã tích cực hỗ trợ bà con trong các hoạt động dịch vụ, sản xuất nông nghiệp; trở thành "cầu nối" giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển đổi từ trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn...
Thêm vào đó, HTX còn tích cực liên kết với làng nghề mây tre đan có tuổi đời hàng trăm năm ở địa phương để tạo "đòn bẩy" phát triển kinh tế tập thể. Qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng chục hộ dân tại địa phương.
Ông Hoàng Đăng Trãi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa, cho biết thời gian qua, HTX đã mạnh dạn đăng ký các loại giống cây trồng mới, liên kết các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, giảm bớt chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp. Ngoài ra, còn liên kết sản xuất với các HTX lân cận như HTX rau quả sạch Chúc Sơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm rau màu của địa phương.
Bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi, HTX Nông nghiệp Phú Nghĩa còn chú trọng liên kết với các làng nghề địa phương, qua đó góp phần đưa mây tre đan từ một nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một trở thành "mũi nhọn" kinh tế, đảm bảo sinh kế ổn định cho bà con.
"Những năm gần đây, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đã không ngừng sáng tạo để cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đảm bảo chất lượng cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nhờ vậy mà chúng tôi đã có 49 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của TP. Hà Nội, điển hình như bát bộ ba, bộ đèn đan vảy rồng,... Ngoài ra còn có 1 sản phẩm đang được đánh giá tiềm năng 5 sao", ông Trung cho biết.
Thậm chí nhiều sản phẩm của HTX còn được xuất khẩu sang thị trường lớn như Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Tây Ban Nha,... Nhờ đó cuộc sống của các thành viên ngày càng nâng cao.
"HTX mong muốn mở thêm những lớp dạy nghề để truyền đạt lại kiến thức cho bà con có kế sinh nhai ổn định, lâu dài. Bên cạnh mục tiêu gìn giữ nghề truyền thống mây tre đan thì còn có thể dạy thêm nhiều kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi hay nhiều ngành khác. Có vậy mới giúp nâng cao chất lượng hoạt động nhiều ngành nghề của HTX, thay vì chỉ tập trung vào duy nhất mảng nông nghiệp", ông Trãi bộc bạch.
Thoát khỏi nghèo khó nhờ vào HTX
Thực tế, thời gian qua nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào GRDP mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tiêu biểu như HTX Tâm Ngọc, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, đã dành rất nhiều tâm sức để trồng cây dược liệu, cây ăn quả trên diện tích 13ha, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo sinh kế ổn định cho thành viên và người lao động.
![]() |
HTX Tâm Ngọc tạo việc làm ổn định cho 41 lao động. Hơn thế, nơi đây còn là “điểm tựa” tiếp thêm nghị lực sống cho 36 người khuyết tật. |
Chị Trần Thị Thuần, giám đốc HTX chia sẻ năm 2019, nhận thấy nhiều ruộng đất tại địa phương bị bỏ hoang, chị Thuần bàn với một số người khuyết tật trong xã thuê lại để trồng dược liệu như hoa nhài, rau má, lá đề, đinh lăng, lạc tiên, sâm, diệp hạ châu.... Để hiện thực hóa, chị và 6 thành viên đã thành lập HTX Tâm Ngọc.
“Trong vòng 2 năm đầu tiên, HTX lỗ hoàn toàn vì sản phẩm làm ra không bán được. Cứ làm ra là phải đi cho, đi tặng, tặng không hết thì bị mốc, phải đổ bỏ làm phân mặc dù công sức làm ra là rất lớn. Không nản chí, các thành viên chủ động, kiên trì tìm đến các phòng khám đông y, công ty trà, đại lý đồ uống để giới thiệu sản phẩm. Từ đó, các sản phẩm của HTX Tâm Ngọc từng bước được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng”, chị Tâm cho hay.
Hiện nay, HTX tạo việc làm ổn định cho 41 lao động. Hơn thế, nơi đây còn là “điểm tựa” tiếp thêm nghị lực sống cho 36 người khuyết tật. Chị Bùi Thị Hưng với tay trái bị khuyết là một trong số đó. “Năm 2018, trên đường đi làm về, em va chạm với xe ô tô và vị chèn nát một bên tay. Từ người lành lặn trở thành khuyết tật, em sống tự ti, không muốn gặp ai, không muốn đi đâu. Sau đó, em được giới thiệu vào làm tại HTX Tâm Ngọc. Công việc chính là đóng gói, dán tem cho hộp chè, thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 4 triệu. Sống ở quê, em thấy mức thu nhập đó khá tốt, nhất là với người bị khuyết một bên tay như em. Công việc và thu nhập giúp em không còn nghĩ về khiếm khuyết của mình nữa”, chị Hưng chia sẻ.
Hướng tới mục tiêu thành lập mới 1.000 HTX
Đến cuối năm 2022, Hà Nội vẫn còn 2.134 hộ nghèo, 22.263 hộ cận nghèo. Một số địa phương số hộ cận nghèo còn cao, nhất là những nơi có nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Huyện Ba Vì và Phúc Thọ là những địa phương còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của TP. Hà Nội với cùng 0,57% so với tổng số hộ dân. Các huyện còn tỷ lệ hộ nghèo cao kế tiếp là: Sóc Sơn (0,33%), Mỹ Đức (0,33%), Chương Mỹ (0,27%), Phú Xuyên (0,24%)… 18 huyện, thị xã hiện nay vẫn còn hộ thuộc diện cận nghèo.
Để đạt mục tiêu giảm nghèo, TP. Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể làm “nòng cốt” trong xoá đói giảm nghèo. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.
Kế hoạch số 222/KH-UBND hướng đến mục tiêu củng cố tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ hợp tác, HTX. Nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân tham gia. Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với khoa học - công nghệ…
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, sẽ thành lập mới được từ 1.000 HTX và 15 liên hiệp HTX trở lên. Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên. Đồng thời, phát triển ít nhất 250 mô hình HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động…
Để đạt được mục tiêu theo Kế hoạch số 222/KH-UBND, UBND TP Hà Nội đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, yếu tố đầu tiên là nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX đối với phát triển kinh tế tập thể.
Hoàng Hà