HTX Bánh phồng Sơn Đốc ra đời từ năm 2001, trải qua thời gian với bao thăng trầm và đổi thay, hiện, HTX đã đổi mới theo Luật HTX 2012, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất.
HTX đã quy tụ được 10 thành viên cùng nhau sản xuất theo quy mô lớn. HTX đứng ra hỗ trợ thành viên máy móc hiện đại và đầu ra cho sản phẩm.
Bảo đảm vệ sinh thực phẩm
Không còn cảnh cán bánh, quết bánh bằng tay, hiện nay, các thành viên HTX đã đầu tư máy móc để hỗ trợ quá trình sản xuất, như: Máy ép dầu, máy quết, máy sấy bánh, máy ép chân không,...
Các máy này đều chạy bằng điện. Điều này giúp quá trình sản xuất không phụ thuộc thời tiết, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, môi trường cũng được cải thiện vì tình trạng sử dụng than, củi để sấy bánh đã không còn.
Để đáp ứng nhiều khẩu vị khác nhau, HTX đã cho ra đời nhiều loại bánh phong phú hương vị khi kết hợp cùng nhiều loại trái cây và thực phẩm khác, như bánh phồng nếp truyền thống, bánh phồng sữa, bánh phồng mì dán chuối, bánh phồng sầu riêng... Ở điều kiện tốt, bánh (chưa nướng) có thể bảo quản được từ 6 tháng trở lên.
Ngoài việc đầu tư máy móc, HTX còn tạo điều kiện để các thành viên tham gia các buổi tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất sạch, bảo đảm vệ sinh thực phẩm nhằm giảm giá thành sản xuất nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hợp vệ sinh và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trong đó, việc huy động nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước; ưu tiên xây dựng các tuyến giao thông liên xóm, hệ thống cống thoát nước, hầm xử lý chất thải trong chăn nuôi đã tránh được tình trạng lầy lội vào mùa mưa, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây cũng là điều kiện quan trọng giúp sản phẩm của các thành viên đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm là một trong những điều kiện thuận lợi giúp HTX mở rộng thị trường. Người nghèo tại địa phương từ đó cũng có việc làm ổn định, tăng thu nhập và vươn lên tự làm chủ cơ sở sản xuất của mình.
![]() |
Quy trình sản xuất bánh phồng Sơn Đốc đã được cơ giới hóa |
Thu hút khách du lịch
Sản phẩm “Bánh phồng Sơn Đốc” của HTX không chỉ có mặt trên thị trường các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh ngoài khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận… mà còn được xuất khẩu đến Hàn Quốc, Canada và một số nước châu Âu. Có thời điểm, HTX sản xuất không đủ để cung ứng ra thị trường. Riêng dịp Tết, mỗi hộ thành viên có thể xuất khoảng 20.000 bánh phồng ra thị trường.
Khi đã có thương hiệu lại phát triển theo hướng liên kết, sản phẩm của HTX đã là nền tảng vững chắc để thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế.
HTX đã đứng ra liên kết với một số doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour, chuyến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm. Đặc biệt, loại hình homestay đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập các thành viên và người dân địa phương.
Để phát triển mảng du lịch, HTX đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn để giúp thành viên và nông dân nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, nâng cao kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất bánh phồng.
Các thành viên cũng tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, giới thiệu sản phẩm bánh phồng với nhiều hình thức khác nhau, nhằm tạo cầu nối liên kết các đơn vị lữ hành theo hướng lâu dài.
Theo Ban giám đốc HTX, việc cải tiến mẫu mã, sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, không độc hại mà HTX làm ra không chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, mà còn giúp bánh phồng bước chân và đứng vững ở các thị trường lớn như siêu thị, sau đó là một số thị trường nước ngoài.
“Là sản phẩm nổi tiếng của quê hương xứ dừa, HTX sẽ cố gắng hết sức để người làm bánh có thể sống được với nghề bánh phồng này”, ông Phạm Văn Hát - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết.
Hoạt động của HTX đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện.
Để hạn chế chi phí đầu vào, HTX đang phối hợp với các ngân hàng để các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, tập trung quy hoạch vùng trồng nếp cao sản, cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ cho quá trình sản xuất.
Huyền Trang