Dự án Khu đô thị (KĐT) Phước Lý phía Tây Bắc Tp.Đà Nẵng rộng 50ha, được triển khai trên địa bàn 2 quận: Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Cũng tại khu vực này, còn có hơn chục dự án tái định cư, khu dân cư, các trường đại học... đang dần hình thành môt KĐT rộng lớn, hiện đại với số lượng dân hơn 10.000 người.
Môi trường sống không bảo đảm
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, các đơn vị chủ đầu tư đã gặp những vướng mắc, nhất là 2 mỏ khai thác, chế biến đá nằm trong ranh giới dự án KĐT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, tiến độ triển khai các dự án, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan KĐT...
Theo quy định của Luật Khoáng sản: "Đối với các mỏ khai thác khoáng sản phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất là 500m...". Nhưng, 2 mỏ đá của Công ty TNHH Nho Chiến và công ty CP Đá xây dựng Hòa Phát đều nằm sát diện tích quy hoạch KĐT Phước Lý, thậm chí còn lấn chiếm vào diện tích đang xây dựng hạ tầng cơ sở của dự án này.
![]() |
Khu sản xuất đá làm ảnh hưởng đến môi trường và sự phát triển đô thị
Việc nổ mìn khai thác đá, sản xuất, chế biến, vân chuyển đá gây mất an toàn khu vực, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây mất cảnh quan núi Phước Tường, môi trường sống của các khu dân cư không thể đảm bảo.
Chính vì những nguyên nhân đó, từ cuối năm 2012, UBND Tp.Đà Nẵng đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấm dứt hoạt động khai thác đá tại khu vực Phước Lý. Cụ thể, đối với công ty TNHH Nho Chiến, thời hạn khai thác đá đến ngày 30/6/2013 phải chấm dứt; công ty CP đá xây dựng Hòa Phát thời điểm chấm dứt là ngày 30/12/2014. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hoạt động khai thác chế biến, vân chuyển đá của 2 công ty nói trên vẫn diễn ra bình thường. Đặc biệt, công ty Nho Chiến còn cho tập kết đá đã chế biến lấn sâu vào diện tích đã quy hoạch và đang xây dựng hạ tầng cơ sở, đường giao thông của dự án KĐT Phước Lý hàng chục mét.
Vừa khai thác đá, vừa quy hoạch KĐT
Tại cuộc tiếp công dân, có 2 luồng ý kiến. Với số đông cư dân đang và sắp đến sinh sống ở KĐT mới Phước Lý, thì yêu cầu dừng sản xuất. Số cư dân cũ lại đề nghị gia hạn cho DN sản xuất, để người dân có việc làm, ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Phó Trưởng Phòng Quy hoạch - Kiến trúc (Sở Xây dựng), hiện có 7 DN tham gia khai thác và chế biến đá xây dựng ở khu vực núi Phước Tường. Một số mỏ đá hiện sản xuất ở gần khu dân cư mới và có những tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Sở Xây dựng đã xây dựng lộ trình và chọn địa điểm mới để di dời các cơ sở sản xuất. Trong đó, cơ sở sản xuất đá của công ty Nho Chiến sẽ được chuyển đến sản xuất ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Ông Nguyễn Nho Chấn, Giám đốc Công ty Nho Chiến, vẫn tiếp tục đề nghị UBND thành phố cho phép DN gia hạn khai thác đá đến hết năm 2015. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị nhiều hộ dân sinh sống ở KĐT Phước Lý phản ứng, bởi tình trạng khai thác đá của DN ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống người dân.
Ông Lê Đăng Nhi, đại diện các cư dân sinh sống ở KĐT Phước Lý, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở TN&MT về công tác quy hoạch sử dụng đất, bởi vừa cấp phép khai thác đá, vừa thực hiện quy hoạch KĐT lên khu vực mỏ đá đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ngay trong khu dân cư.
Hoạt động nổ mìn ngầm dưới lòng đất, lòng núi gây rung chấn, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng vùng lân cận và để lại nhiều tác hại đến môi trường tự nhiên.
Lê Minh