Với mục tiêu hướng đến nông nghiệp sạch, các HTX trồng dâu tây luôn chú trọng việc ứng dụng kỹ thuật để sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn.
Đi theo hướng bền vững
Xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) đã phát triển 230ha dâu tây. Địa phương cũng chú trọng thành lập các HTX để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bởi dâu tây là một cây trồng mới trên địa bàn.
Điển hình như, các thành viên HTX Tân Thảo đã áp dụng chuẩn VietGAP nên ngay từ khâu chọn giống đến chăm sóc đều được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chuyên môn.
HTX cũng chú trọng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng cách) và khuyến khích thành viên sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đối với môi trường.
Dâu tây của các HTX nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. |
Đến nay, HTX đã trồng mới thêm 15ha dâu tây, đưa diện tích cho thu hoạch lên 25ha. Bên cạnh đó, HTX đã chủ động liên kết với các cửa hàng để đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm của bà con.
Anh Nguyễn Văn Dần, thành viên HTX Tân Thảo cho biết, trước đây, các hộ thành viên chỉ trồng mía nên thu nhập không ổn định. Từ ngày chuyển sang cây dâu tây và gắn bó với HTX, kinh tế gia đình vươn lên.
Hiện, thu nhập từ trồng dâu tây tại HTX đạt 100 triệu đồng/1.000m2/năm nên cuộc sống của các thành viên đều ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Đáng chú ý, xã Đông Sang (huyện Mộc Châu) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển được 97ha dâu tây với năng suất quả bình quân đạt trên 15 tấn/ha.
Đặc biệt, nhiều hộ dân, HTX trên địa bàn xã đã đầu tư nhà màng, nhà kính để sản xuất dâu tây chất lượng cao. Dâu tây được trồng trên một hệ thống hiện đại và có nhiều quá trình như bón phân, tưới nước, đo nhiệt độ… diễn ra tự động với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ hiện đại. Ngoài ra, các HTX còn thực hiện đăng ký bảo hộ sản phẩm và tham gia chương trình OCOP để khẳng định chất lượng và mở rộng đầu ra.
Chị Cao Lan Anh, thành viên HTX dâu tây công nghệ cao Mộc Châu (xã Đông Sang) cho biết, khí hậu địa phương rất thích hợp để trồng dâu tây Hana Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là loại cây rất khó tính. Nếu quy trình trồng không đảm bảo, sử dụng nhiều loại thuốc hóa học thì quả dâu sẽ không ngọt. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ cao cùng với quy trình nghiêm ngặt nên quả dâu trồng ở đây có vị ngọt hơn so với nơi khác.
Không chỉ vậy, so với canh tác truyền thống, đầu tư công nghệ cao còn giảm thiểu khả năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tới 2 lần, giúp bảo vệ được môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng nội lực để tăng "chất" và lượng
So với hình thức canh tác truyền thống và các loại cây trồng khác, cây dâu tây cho thu nhập cao hơn nhiều lần, nhờ đó đời sống bà con nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thông thường mùa dâu tây bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 5 năm sau.
Tuy nhiên, năm nay lạnh muộn nên hiện tại các HTX đang vào chính vụ thu hoạch dâu. Theo chia sẻ của các HTX, dâu ngon nhất là thời điểm chính vụ từ cuối tháng 2 sang tháng 3. Lúc này, quả chín rộ, mọng, trái to, đều.
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quý (Mai Sơn) cho biết, dâu tây đang vào chính vụ thu hoạch. Sản lượng cho thu mỗi ngày tại HTX lên tới 5-8 tấn.
Dâu tây là loại quả chất lượng cao nhưng nếu là dâu nhập khẩu thì có giá tương đối cao. Chẳng hạn như dâu tây nhập từ Nhật, Hàn Quốc bán trong siêu thị một hộp nhỏ 0,25 kg đã có giá 250.000 - 300.000 đồng. Chính vì vậy mà ít người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận được vì quá đắt.
Vậy nhưng, các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ vào sản xuất nên dâu tây đã "đổ bộ" thị trường với số lượng lớn. Đây là loại quả mà nhiều người ưa thích nên đầu ra của các HTX trồng dâu tây ở Sơn La rất thuận lợi. Với mức giá dao động khoảng 150.000 - 400.000 đồng/kg, nhiều người đã được thưởng thức dâu tây phù hợp với túi tiền.
Lượng dâu của các HTX thu hái đến đâu được bán sỉ hết cho các hệ thống siêu thị và các cửa hàng trái cây. Bởi, nhiều HTX đang sản xuất theo hình thức liên kết, sản phẩm thu hoạch được bao tiêu.
Thời điểm này, để kịp thu hoạch dâu tây chín trên đồng, các HTX đều phải thuê hàng trăm lao động chuyên đi hái trái. Tuy nhiên, muốn hái được trái dâu cũng phải trải qua công đoạn tập huấn để có kỹ thuật hái chuẩn, không để quả dâu bị dập hỏng và hạn chế lượng chất thải ra môi trường.
Các ngành chức năng đánh giá, việc Sơn La phát triển mạnh loại cây dâu tây theo chuỗi giá trị không chỉ tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao mà còn giúp hạ giá thành sản phẩm, góp phần thay thế dâu tây nhập khẩu.
Theo tính toán của các HTX, trung bình 1 ha dâu tây cho sản lượng 12-15 tấn, doanh thu đạt 1,1-1,2 tỷ đồng. Trừ chi phí, nhà vườn lãi 350-450 triệu đồng/ha. Chính vì vậy, dâu tây được coi là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, phù hợp để người dân, HTX mở rộng diện tích.
Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra là trồng dâu tây công nghệ cao đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư rất lớn nên hầu hết các HTX đều mong nhận được sự hỗ trợ từ địa phương và các ban ngành để có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi, phục vụ mở rộng diện tích. Vì muốn cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập, buộc các HTX phải nâng cao chất lượng và xây dựng các chuỗi giá trị. Muốn vậy, tiềm lực tài chính là điều vô cùng cần thiết.
Tùng Lâm