Liên Minh là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, với hơn 65% dân số là người Dao, Tày, Nùng sinh sống. Trước đây, người dân vốn quen với cuộc sống quây quần nơi núi rừng Việt Bắc thôn dã, sản xuất tự phát, lạc hậu, nên đời sống gặp vô vàn khó khăn.
Liên kết làm giàu
Cây chè là một trong những cây thế mạnh nhưng từng bị bỏ quên ở Liên Minh. Tuy nhiên, kể từ khi HTX chè Liên Minh được thành lập, hoạt động sản xuất được đưa vào khuôn khổ, mọi thứ dần thay đổi.
Chị Hoàng Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Liên Minh, cho hay sau gần 5 năm hoạt động, hiện HTX thu hút 50 thành viên, diện tích sản xuất đạt hơn 41 ha, 100% canh tác theo tiêu chuẩn sạch. Trong số thành viên có 2/3 là phụ nữ và 50% là người dân tộc thiểu số.
Ngoài đầu tư lò sao sấy chè, từ những kiến thức được học, cùng các khóa tập huấn của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, HTX đã hướng dẫn các thành viên sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tích cực ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới.
Tham gia HTX, thu nhập của thành viên tăng lên đáng kể. HTX cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương vào các mùa thu hoạch chè với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX đang có đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng kinh tế - xã hội ở Võ Nhai (Ảnh: PD). |
Tương tự, HTX nông nghiệp sạch Tràng Xá, xã Tràng Xá cũng đang là một trong những điển hình trong phát triển kinh tế huyện Võ Nhai, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, đưa đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc vùng cao từng bước được nâng lên.
Anh Chu Duy Tú, thành viên HTX Tràng Xá, chia sẻ ngay từ khi HTX bắt đầu thành lập, anh đã nghỉ làm công nhân để tham gia và tích cực vận động nhiều thanh niên cùng vào HTX.
Từ khi tham gia vào HTX, các sản phẩm của gia đình anh Tú như mật ong, chè, bưởi sản xuất đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó vì chất lượng và an toàn. Với 6 sào chè, 20 đàn ong và hơn 2 sào nhãn, những năm qua, gia đình anh Tú luôn duy trì mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
“Thu nhập không quá cao nhưng rất ổn định, lại được tập huấn về khoa học kỹ thuật để sản xuất sạch, an toàn, có chất lượng. Điều quan trọng hơn là khi tham gia vào HTX thì mình được làm chủ chính mình chứ không còn tâm lý lo ngại là đi làm thuê cho ai nữa”, anh Tú chia sẻ.
Phá thế “ba khó”
Có thể thấy, các HTX đang là một trong những “đòn bẩy” giúp diện mạo kinh tế huyện Võ Nhai ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số được nâng lên.
Bí thư Huyện ủy Võ Nhai - Hà Thị Bích Hồng cho biết, kinh tế hợp tác, HTX đã và đang góp phần quan trọng giúp huyện phá thế “ba khó”, hình thành những sản phẩm thế mạnh, giá trị cao.
Đến nay, toàn huyện Võ Nhai có 8 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh được chứng nhận OCOP, gồm: mỳ gạo Tiền Phong, na La Hiên, bún khô Tiến Diện, chè móc câu Tràng Xá.... Nhiều sản phẩm đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc như: ổi Phú Thượng, mật ong La Hiên, gạo Bao thai Dân Tiến, đậu phụ Bình Long...
Trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng với thúc đẩy HTX, Võ Nhai đặc biệt chú trọng triển khai có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Hiện toàn huyện đã có 6/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã La Hiên đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời địa phương cũng tích cực lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ đối với các xã đặc biệt khó khăn trong thực hiện công tác giảm nghèo, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên so với năm 2022.
“Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Võ Nhai có 12/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện ước đạt 2.741, vượt 12,2% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,2% so với năm 2021, đạt 140% chỉ tiêu nghị quyết...”, bà Hà Thị Bích Hồng cho hay.
Với những kết quả đang có, từ nay đến năm 2025, huyện Võ Nhai dự kiến tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng diện tích chè, cây ăn quả, phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn... Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm sản.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tranh thủ nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác và sử dụng tốt các nguồn vốn. Phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp trong liên kết, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số.
Mỹ Chí