Chính vì vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đăk Hà thời gian qua đạt được kết quả tích cực, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.
Đầu tư phát triển ở những xã khó khăn
Với nhiều giải pháp triển khai thiết thực, hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Đăk Hà giảm qua từng năm. Đầu năm 2016, tổng số hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều huyện Đăk Hà là 3.921 hộ, chiếm tỷ lệ 24,76%; hộ cận nghèo 967 hộ, chiếm tỷ lệ 6,11%. Đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều là 2.322 hộ, chiếm tỷ lệ 13,28% tổng số hộ toàn huyện và số hộ cận nghèo là 1.440 hộ, chiếm tỷ lệ 8,23% tổng số hộ dân cư toàn huyện. Như vậy, từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2019, toàn huyện có gần 2.600 hộ thoát nghèo.
![]() |
Huyện Đăk Hà chủ động lồng ghép chính sách, dự án của Trung ương và của tỉnh để tập trung đầu tư phát triển ở những xã khó khăn (Ảnh: TL) |
Thời gian qua, huyện Đăk Hà chủ động lồng ghép chính sách, dự án của Trung ương và của tỉnh để tập trung đầu tư phát triển ở những xã khó khăn, kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong địa bàn nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn, coi đây là một trong những giải pháp để thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo thông qua các mô hình đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo đó, huyện Đăk Hà triển khai thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng của Nhà nước và của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Qua đó, góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các xã khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện chú trọng phát triển mạnh các tổ hợp tác (THT) sản xuất cà phê sạch; tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn (quy mô 5ha tại thôn 2, xã Đăk Mar); tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp...
Đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà có 2 công ty, 4 HTX sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê, cung ứng ra thị trường trong nước hơn 5.000 tấn cà phê bột; 5 tấn cà phê hòa tan Đăk Mar, 38 tấn sản phẩm cà phê hòa tan Đăk Hà; xuất khẩu gần 30.000 tấn cà phê nhân; doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng.
UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các ngành chức năng của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, khuyến khích các hộ nghèo tích cực tham gia các dự án như dự án chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện triển khai thực hiện 2 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với sự tham gia của người dân là Dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăm sóc cây cà phê, chăm sóc cây cao su, chăn nuôi heo nhằm giảm nghèo bền vững tại xã Đăk Hring và Dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăm sóc cây cà phê, chăm sóc cây cao su nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Đăk La mang lại hiệu quả thiết thực...
Sức kéo từ những "đầu tàu"
Những thành công trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Đăk Hà thời gian qua có đóng góp không nhỏ của các "đầu tàu" là các HTX và tổ hợp tác nông nghiệp, từ việc tạo công ăn việc làm đến tạo mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đầu năm 2009, THT sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng tại địa bàn các xã Hà Mòn, Đăk Mar, Ngọc Wang và thị trấn Đăk Hà với 43 thành viên ra đời để học hỏi kiến thức canh tác và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong kinh tế cũng như trong cuộc sống.
Sau 8 năm hoạt động, THT đã phát triển thành HTX Nông nghiệp công bằng Pô Kô (Pô Kô Farms) vào tháng 11/2017. Từ 43 thành viên ban đầu đã phát triển lên tới 118 thành viên, trong đó có khoảng 10% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, tổng diện tích chứng nhận tiêu chuẩn Fairtrade khoảng 200ha với sản lượng khoảng 1.000 tấn cà phê nhân.
![]() |
Các HTX và tổ hợp tác nông nghiệp có đóng góp quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững (Ảnh: TL) |
HTX xác định chuyên canh cà phê để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm với các nước trong khu vực và thế giới; đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế và đời sống.
Tham gia HTX, các thành viên được ưu tiên làm việc, được trả công và tỷ lệ lãi suất theo Điều lệ của HTX, được HTX cung cấp các thông tin kinh tế, kỹ thuật cần thiết, được hưởng các chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và được ưu tiên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để áp dụng vào quy trình sản xuất.
Pô Kô Farms là một trong 2 tổ chức nông dân cà phê Việt Nam đầu tiên được nhận chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade của Tổ chức Thương mại Công bằng Quốc tế (FLO).
Là thành viên của mạng lưới các nhà sản xuất của FLO nên Pô Kô Farms cũng nhận được sự hỗ trợ về nâng cao nhận thức sản xuất cà phê bền vững và cập nhật nhu cầu thị trường từ tổ chức này.
Chính vì lấy mục tiêu sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng, cộng đồng tiêu thụ cà phê sạch từ các nước phát triển trên thế giới chấp nhận mua giá cao hơn với giá thị trường. Nhưng sự chênh lệch giá này được Pô Kô Farms hỗ trợ lại để nâng cao đời sống cho các thành viên và cộng đồng chuyên canh cà phê sạch bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực canh tác.
Trong gần 10 năm hoạt động tính từ thời điểm ra đời của THT, Pô Kô Farms đã đóng góp 1,2 tỷ đồng xây dựng 2 hội trường sinh hoạt cộng đồng, 300 triệu đồng xây dựng 6 căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình kém may mắn; 450 triệu đồng xây cầu, tu sửa đường giao thông nông thôn; 100 triệu đồng xây trường mầm non… ở thị trấn Đăk Hà.
"Trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2018 - 2023, Pô Kô Farms hướng đến sự phát triển đồng bộ giữa sản xuất, chế biến thành phẩm, xuất khẩu và tham gia mắt xích du lịch địa phương. Các hoạt động này sẽ giúp cải thiện và ổn định thu nhập cho nông dân thành viên Pô Kô Farms và trên địa bàn huyện", đại diện HTX chia sẻ.
Đức Nguyễn