Đại An Khê là HTX đi đầu trong sản xuất lúa hữu cơ |
Cánh chim đầu đàn
Đại An Khê là HTX tiên phong tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Vụ Hè Thu 2017 – 2018, HTX bắt tay triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ với các giống mới RVT, ST24, trên diện tích hơn 150ha và 50 hộ dân thực hiện.
Trải qua 5 vụ, mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được hỗ trợ 100% phân bón, giống và được thu mua lúa tươi đảm bảo tiêu chuẩn với giá 6.000 đồng/kg (giống lúa RVT). Ngoài ra, nông dân được bao tiêu 100% lúa tươi giống lúa mới ST24.
Ông Nguyễn Trung Trực - Giám đốc HTX Đại An Khê, cho biết: “Tham gia trồng lúa hữu cơ, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật và đặc biệt là được doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định. Với mức giá thu mua cao hơn khoảng 20% so với lúa truyền thống, thành viên HTX có lợi nhuận bình quân 18-20 triệu đồng/ha/vụ”.
Bên cạnh trồng lúa hữu cơ, HTX Đại An Khê cũng đã phát huy lợi thế của tiểu vùng, tổ chức ươm nuôi cá giống với diện tích hơn 31 ha, hàng năm ươm nuôi và xuất bán trên 30 triệu con cá bột và 1 triệu con cá giống các loại. HTX cũng đang phát huy hiệu quả của mô hình kết hợp chăn nuôi lợn - cá.
Ngoài ra, HTX duy trì ổn định nhóm hộ gieo ươm giống cây lâm nghiệp, mỗi năm sản xuất được trên 80 vạn cây giống các loại; duy trì tốt nghề xay xát, chế biến nông phẩm, trồng nấm, làm bánh truyền thống…
Các hoạt động thương mại dịch vụ ở HTX được mở rộng, giải quyết việc trao đổi hàng hóa, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cho các hộ dân tại địa phương.
Sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ mang lại giá trị bền vững |
Chìa khóa thành công
Sở hữu cánh đồng lúa hữu cơ rộng hơn 9 mẫu, ông Lê Minh Đới – thành viên HTX Đại An Khê, chia sẻ: “Kể từ khi chuyển sang trồng lúa hữu cơ, cánh đồng của gia đình tôi đã có 6 vụ liên tiếp được mùa, được giá. Bước ngoặt đến từ khi HTX liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ”.
Theo ông Đới, trước khi tham gia HTX, người trồng lúa trên địa bàn sản xuất nhỏ lẻ, thường xuyên lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu khiến đất đai bạc màu, môi trường ô nhiễm. Trong quá trình sản xuất, việc sử dụng máy móc, nông cụ tự phát, thiếu thiết bị bảo hộ gây mất ATLĐ.
Tham gia vào HTX, thực hiện liên kết với doanh nghiệp, quy trình sản xuất của nông dân được quy định chặt chẽ. Các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phải ở trong danh mục cho phép, trước khi sử dụng được HTX kiểm tra, kiểm định về chất lượng.
Khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thành viên HTX tuân thủ các nguyên tắc an toàn, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ (găng tay, khẩu trang, ủng…) để đảm bảo ATLĐ, nâng cao sức khỏe.
Trong quá trình cơ giới hóa, thành viên HTX được phát tài liệu, tham gia tập huấn kỹ thuật, đào tạo về ATLĐ, qua đó đảm bảo năng suất lao động, nâng cao hiệu quả canh tác.
Giám đốc HTX Nguyễn Trung Trực cho hay: “Liên kết với doanh nghiệp có nhiều cái lợi, nhưng cũng có những khó khăn riêng, đòi hỏi người nông dân phải đổi mới tư duy, sản xuất theo phương thức hiện đại, nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn”.
Dù còn không ít khó khăn, những thành công hiện tại của HTX Đại An Khê khẳng định sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ và vệ sinh thực phẩm hướng đi đúng đắn, mang lại giá trị bền vững cho nông dân.
Văn Nguyễn