Theo số liệu của UBND xã Tân Triều, hiện làng nghề Triều Khúc có 298 hộ sản xuất với tổng số 13.976 người lao động, thu nhập khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Nơi đây chủ yếu sản xuất các mặt hàng nhựa tái chế, làm lông vũ, dệt thổ cẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trên phạm vi cả nước.
Hệ quả của sự phát triển nóng
Sự phát triển nhanh chóng của làng nghề đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân chính khiến môi trường sống của người dân Triều Khúc bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo khảo sát sơ bộ, mỗi ngày làng nghề Triều Khúc thải ra môi trường gần 10 tấn rác thải và hàng nghìn m3 nước thải mà không qua một hệ thống xử lý nào. Đặc biệt, ở Tân Triều có cả gần trăm hộ kinh doanh nghề thu gom, tái chế nhựa, thu gom cả rác thải y tế nguy hại của một số bệnh viện lớn, như Bệnh viện K, Bệnh viện 103… mang về tái chế mà không hề lường trước được những hậu quả khôn lường từ việc làm đó gây ra.
![]() |
Sản phẩm lông gà, vịt phơi tràn lan, đầy các con đường ở Tân Triều
Bà Nguyễn Thị Hoa - một hộ dân sống ở làng nghề Triều Khúc, cho biết: "Phế liệu không chỉ tập trung ở đầu làng, trong xóm mà còn xen kẽ ở cả những trục đường dân sinh chính. Phế liệu chất thành đống, cao ngang đầu người để chờ xử lý, tái chế là hình ảnh quen thuộc và không hiếm gặp ở Triều Khúc. Đường làng được tận dụng triệt để thành nơi phơi lông vũ, mỗi khi có xe chạy qua, lông gà, vịt quyện theo gió bay mù mịt, bám vào người, gây khó chịu cho người qua lại".
Con kênh chạy từ làng ra đồng đen ngòm, chứa đầy rác thải lềnh phềnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc bởi đây là nơi "tập kết" của nước thải rửa lông vũ hay các phế phẩm của quá trình tái chế nhựa. Tất cả đều được dồn thẳng xuống con kênh mà không qua một công đoạn xử lý nào. Trời mưa hay trời nắng những hộ dân ở Triều Khúc lúc nào cũng phải cửa đóng then cài, nước sinh hoạt phải mua từ nơi khác về, ra đường phải đeo khẩu trang kín mít.
Chị Đỗ Thị Phượng - Phó Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Triều, cho biết: "Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, cả xã đã có gần 35 trường hợp tử vong vì mắc các bệnh liên quan đến phổi, đường hô hấp, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng cao".
Cần "mềm hóa những quy định"
Anh Nguyễn Viết Xuân - một hộ sản xuất chuyên thu gom nhựa tái chế ở làng nghề Triều Khúc, chia sẻ: "Năm 2010, UBND huyện Thanh Trì thực hiện quy hoạch xây dựng cụm làng nghề sản xuất tập trung ở xã Tân Triều với quy mô gần một ha. Theo đó, các hộ sẽ có quyền đấu thầu sử dụng đất trong khu sản xuất tập trung với thời hạn 50 năm, nhưng kinh phí để đấu thầu tối thiểu là từ 1 - 7 tỷ đồng tùy theo diện tích lớn, nhỏ… Với những quy định như vậy thì không khác gì một sự đánh đố đối với những hộ sản xuất nhỏ và vừa như chúng tôi".
Theo ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều, chính bởi quy định cứng nhắc trên mà hiện ở cụm làng nghề sản xuất tập trung của xã chỉ có 78 trong 298 hộ có đủ điều kiện để tham gia đấu thầu và đạt yêu cầu. Do đó, số hộ không trúng thầu lại tiếp tục sản xuất trong khu vực đông dân cư và đành phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
Ông Quyền cho biết: "Trước mắt UBND xã đã thành lập các đội quản lý, nhắc nhở các hộ sản xuất trên địa bàn nâng cao ý thức xả rác thải, bảo vệ môi trường, tổ chức thu gom rác thải trên địa bàn toàn xã, có biện pháp xử lý hành chính đối với các hộ vi phạm, tái phạm gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, xã sẽ đề xuất, tham mưu cho UBND huyện "mềm hóa những quy định" về điều kiện đấu thầu để xem xét, giải quyết cho tất cả các hộ sản xuất được tham gia vào cụm làng nghề sản xuất tập trung".
Nguyễn Hiếu