Nhiều năm qua, Quảng Hòa là một trong những vùng trồng mía lớn nhất ở Cao Bằng. Nhờ áp dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, cây mía trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Diện tích mía tập trung tại các xã Đại Sơn, Cách Linh, Hạnh Phúc, Hồng Quang...
Hiệu quả vượt trội
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa hình tương đối bằng phẳng, cây mía đã và đang có sự thích nghi tốt với vùng đất Quảng Hòa. Năng suất mía trồng tại các địa phương trong huyện đạt trung bình 60 - 65 tấn/ha, chất lượng vượt trội.
Hai năm qua, vựa mía của gia đình chị Hoàng Thị An, xóm Trường An, xã Cách Linh cho năng suất bình quân hàng trăm tấn mía nguyên liệu/năm. Thành quả có được không những nhờ sự chăm chỉ, cần cù của các thành viên trong gia đình mà còn từ sự hỗ trợ của địa phương về giống, phân bón và đầu ra cho sản phẩm.
Mía đang là cây trồng chủ lực, làm giàu cho nhiều người dân ở Quảng Hòa (Ảnh: BCB). |
Chị An cho biết, chị và các hộ dân trong xóm được tham gia mô hình liên kết trồng mía KK3 do Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng triển khai. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc.
“Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên khi thu hoạch, năng suất bình quân thường đạt 850 tạ/ha. Với giá thu mua mía nguyên liệu trong vụ trung bình từ 1.000 - 1.050 đồng/kg, chúng tôi sẽ thu về trên dưới 85 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu nhập cao, giúp chúng tôi thay đổi cuộc sống”, chị An phấn khởi nói.
Vụ mía năm 2022 - 2023, toàn tỉnh Cao Bằng trồng hơn 2.251 ha mía tại 3 huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Thạch An, trong đó địa bàn Quảng Hòa chiếm trên 96% diện tích. Thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục đẩy mạnh liên kết trồng mía theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp nhằm đưa cây mía và các sản phẩm từ mía Quảng Hòa vươn xa trên thị trường, hướng đến phát triển bền vững.
Chú trọng liên kết
Cùng với cây mía, nuôi cá lồng cũng đang là nghề giúp nhiều nông dân ở Quảng Hòa ăn nên làm ra, thay đổi cuộc sống, vươn lên làm giàu. Một trong những mô hình nuôi cá lồng thành công nổi trội là thương hiệu cá lồng Pác Đa, xã Độc Lập.
Để phát huy tiềm năng nuôi cá lồng Pác Đa, năm 2019, HTX cá lồng Pác Đa được thành lập với 17 thành viên. Từ manh mún, nhỏ lẻ, hiện nay, diện tích nuôi cá lồng tại xã Độc Lập quy về một mối, với hơn 50 lồng cá, tạo thành chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc HTX Bế Thành Đông cho biết, thành viên phải tuân thủ quy trình nuôi cá sạch của HTX nhằm thống nhất về chất lượng và xây dựng uy tín trên thị trường.
Cụ thể, một lồng chỉ được nuôi thả từ 150 - 300 con cá trắm giống với trọng lượng dưới 0,8 kg/con. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ voi, lá chuối, ngô, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp, tăng trọng. Nhờ nuôi khoa học, sau 8 - 9 tháng, cá của thành viên HTX có thể đạt trọng lượng mỗi con từ 3 - 5 kg. Với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg như hiện nay, người nuôi “sống khỏe”.
Nuôi cá lồng là nghề nhiều tiềm năng để nhân rộng ở Quảng Hòa (Ảnh: BCB). |
“Nhà tôi hiện có 3 lồng cá, cho khoảng 1,5 tấn cá/năm, sau khi trừ chi phí cũng đem lại thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng”, Giám đốc HTX Bế Thành Đông chia sẻ.
Cũng được hưởng lợi khi tham gia HTX, anh Bế Ích Việt cho hay trước đây, gia đình anh chỉ biết trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Sau khi tham khảo mô hình của HTX, thấy nuôi cá lồng dễ làm, đầu tư không lớn mà cho thu nhập ổn định, anh đã đầu tư nuôi 2 lồng cá. Giờ đây, cứ dịp cuối năm, thương lái ở thành phố và một số huyện lân cận chủ động gọi điện đặt hàng trước, anh Ích thu hoạch rồi gửi về tận nơi cho khách.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Quảng Hòa, mô hình nuôi cá lồng trên sông bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, có nhiều hộ vươn lên khá giả. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy lợi thế địa phương, mở rộng quy mô, vận động thêm nhiều hộ gia đình nuôi cá theo mô hình này.
"Huyện sẽ xem xét một số chính sách hỗ trợ vốn làm lồng, cấp con giống, mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số mô hình kinh tế tiêu biểu như ở Pác Đa", đại diện Phòng NN&PTNT huyện nhấn mạnh.
Phát triển bền vững
Có thể thấy, với điều kiện tự nhiên về đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi, Quảng Hòa có tiềm năng phong phú, đa dạng trong phát triển nông nghiệp. Huyện có điều kiện thuận lợi đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, hình thành các vùng chuyên canh lúa, mía, cây ăn quả, thủy sản…, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong sản xuất nông nghiệp, lúa là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hằng năm duy trì trên 2.600 ha, năm 2022 đạt 3.235,2 ha, năng suất đạt 51,2 tạ/ha, sản lượng đạt 16.565,3 tấn. Cây mía hằng năm trồng khoảng 2.500 ha, năng suất đạt 700 tạ/ha, sản lượng đạt 171.881,5 tấn. Cây chè diện tích 25,28 ha, năng suất đạt 27,5 tạ/ha. Cây ăn quả hiện có trên 353,7 ha…
Chăn nuôi là một lợi thế lớn của huyện; hiện tổng đàn trâu, bò cái sinh sản được duy trì 10.955 con, đạt 78,2% kế hoạch. Huyện có 145 lồng nuôi thủy sản với tổng thể tích lồng nuôi 4.550 m3.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Hiện, trên địa bàn huyện hình thành các vùng trồng cây công nghiệp, cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa như các loại cây: thuốc lá, mía, dong riềng... Huyện đang triển khai 25 dự án trồng trọt, với tổng nguồn vốn 5 tỷ 657 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia…
Đáng chú ý, toàn huyện có 11 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao thuộc 9 chủ thể, trong đó có 5 chủ thể là HTX, 4 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh, gồm đường phên, dao Minh Tuấn, thạch mác púp, rau cải bao, rau cải xanh; ổi Quảng Hưng; dao Nông Sơn Phúc Sen, chè Đoỏng Pán, củ cải khô, bún gạo trắng, dưa chuột Quảng Hưng. Có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (quả quýt của HTX nông nghiệp sạch Quảng Hưng và sản phẩm rau của HTX sản xuất rau an toàn Bắc Hồng).
Mỹ Chí