Để đáp ứng những yêu cầu mới của người tiêu dùng, HTX nông sản nếp vải Ôn Lương đã tìm tòi, sản xuất, tham gia mô hình sản xuất lúa nếp vải theo quy trình VietGAP, hữu cơ, xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.
Tự tin khẳng định vị thế
Được đánh giá là địa phương có đất đồng phù hợp, cho chất lượng gạo tốt nhất, nhiều năm qua, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã vận động người dân tham gia mô hình sản xuất lúa nếp vải tập trung, tạo điều kiện ổn định đầu ra, hướng đến phát triển bền vững.
HTX xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nếp vải Ôn Lương. |
Loại gạo đặc sản này hiện đang được gieo cấy tại 5 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đổ, Yên Trạch với diện tích ổn định trên 120ha và cho năng suất trung bình khoảng 48 tạ/ha.
Để phát triển và đưa thương hiệu gạo nếp vải của huyện Phú Lương vươn xa trên thị trường, tháng 9/2020, tại xã Ôn Lương, HTX nông sản nếp vải Ôn Lương được ra đời thúc đẩy sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, chế biến lúa nếp vải...
Dễ thấy, việc thành lập HTX trong khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 là khá mạo hiểm, gây khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc sản xuất và kinh doanh, đồng thời, đặt ra yêu cầu ổn định thị trường tiêu thụ nông sản. Để chủ động và tránh rủi ro, HTX Ôn Lương đã tính đến đầu tư hệ thống máy móc hiện đại trong chế biến nông sản để nâng cao năng lực sản xuất, cũng như chất lượng sản phẩm làm ra.
Bà Hoàng Thị Hồng Tú, Giám đốc HTX nông sản nếp vải Ôn Lương cho biết: Việc bỏ ra một số tiền lớn mua sắm trang thiết bị đối với một HTX mới thành lập là việc hết sức khó khăn, nhiều hộ nông dân chưa đủ sức để đầu tư, nhưng về lâu dài thì sẽ có lợi lớn. Bởi nông sản thường xuyên cung vượt cầu vào lúc chính vụ, dẫn tới dư thừa. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, giá những mặt hàng đó tăng trở lại gấp nhiều lần. Vì thế, việc đầu tư chế biến sâu nông sản là điều hết sức cần thiết.
Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên với 65 triệu đồng, đến nay HTX đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư hơn 75 triệu đồng để mua mới hệ thống máy móc như: Máy rang, máy hút, máy giã, máy chà, máy đập, máy sàng lọc cốm…
Do toàn bộ những thiết bị tiên tiến và được sử dụng công nghệ điều khiển điện tử, cơ khí tự động, dây chuyền khép kín liên hoàn nên chất lượng sản phẩm đầu ra ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất tăng hàng chục lần so với sản xuất truyền thống.
Đến nay, các thành viên đã tự tin khẳng định, các sản phẩm từ gạo nếp vải HTX Ôn Lương hoàn toàn có thể tạo ra hướng đi riêng trên thị trường. Gạo nếp vải HTX có hương thơm, vị ngậy, đậm, dẻo, nếu ai đã từng thưởng thức một lần đều không thể nào quên.
Đặc biệt, giống lúa này chỉ cấy được duy nhất 1 vụ trong năm. Do vậy, trong vụ xuân, bà con HTX cấy lúa thường để đảm bảo lương thực cả năm, sang vụ mùa chuyển sang cấy giống nếp vải để bán.
Ngoài việc bán gạo, các thành viên HTX còn chế biến thành nhiều sản phẩm khác đưa ra thị trường tiêu thụ như xôi, bánh chưng, bánh giầy, bánh tro, cơm cháy, cốm… thậm chí đã có một số đơn hàng sang Anh, Úc… theo hình thức quà biếu.
Xây dựng thương hiệu gạo nhờ sản xuất sạch
Ngoài nhiệm vụ sản xuất, HTX nông sản nếp vải Ôn Lương còn còn là cầu nối đứng ra thu mua sản phẩm của bà con trong vùng với số lượng lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2020, HTX đã hỗ trợ tiêu thụ giúp bà con khoảng 360 tấn thóc tươi với giá dao động từ 9.000 – 9.500 đồng/kg.
HTX nông sản nếp vải Ôn Lương đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký tham gia sản phẩm OCOP trong năm 2022. |
Có được thành quả trên là nhờ thời gian qua, HTX đã xác định đúng hướng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Theo đó, các thành viên tuân thủ theo nguyên tắc 3 không để xây dựng thương hiệu gạo sạch (không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và không thuốc diệt cỏ). Những chế phẩm sinh học để chăm sóc lúa được tạo ra từ những cây cối ở chính vùng quê các thành viên đang sống.
Từ ngày tham gia vào HTX, chị Ma Thị Thúy Lan đã biết sử dụng thân cây chuối, khoai lang, vỏ các loại hoa quả, trái cây, xương động vật, vỏ trứng, cá tạp… được xử lý để làm phân bón cho lúa. Chế phẩm trừ sâu bọ được chị Lan tạo ra từ tỏi, ớt, gừng lên men.
“Ban đầu chưa quen tôi thấy trồng lúa an toàn vất vả, tốn công sức, nhưng làm dần dần quen tay thấy dễ dàng, lại đảm bảo sức khỏe vì tránh tiếp xúc với các chất hóa học độc hại. Vui nhất là giá lúa an toàn cao gấp đôi giá lúa thông thường, nông dân có lãi”, chị Lan chia sẻ.
Chăm bón theo cách trên, không chỉ năng suất tăng, giá gạo nếp vải bán ra năm nay cũng được dự báo tăng hơn so với năm ngoái. Hiện, 1kg gạo nếp vải bán ra giá trung bình trên 25.000 - 30.000 đồng/kg, đạt giá trị gần 90 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với một số giống lúa khác thường trên địa bàn xã.
Hiện, HTX có 9 thành viên là nông dân ở địa phương cùng dồn điền đưa gần 40ha vào sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP được HTX đảm trách, đưa vào gieo cấy trên cánh đồng của các thành viên.
Bên cạnh việc chú trọng mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng lúa nếp vải, thời gian qua, HTX cũng chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu “gạo nếp vải Ôn Lương” tại các chương trình, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường.
Đến thời điểm này, gạo nếp vải Ôn Lương đã đăng ký thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý. Cũng nhờ trồng nếp vải, nhiều hộ dân ở xã Ôn Lương đã có thu nhập ổn định và khấm khá hơn trước.
“Sắp tới, HTX huy động thành viên mở rộng diện tích trồng lúa nếp vải; đồng thời mong muốn Liên minh HTX tỉnh cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch; cải tiến mẫu mã thân thiện với môi trường; đưa sản phẩm gạo nếp vải Ôn Lương ra nhiều tỉnh thành khác...”, lãnh đạo HTX cho biết.
Tô Thương