Mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục đích, bên cạnh việc mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người trồng còn góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện môi trường tự nhiên.
Cây mắc ca là "bệ đỡ" thoát nghèo
Tại tỉnh Đắk Nông, những năm qua, để giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, chính quyền các cấp đã khuyến khích nông dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng cây mắc ca để đưa mắc ca thành cây mang lại thu nhập chính cho người dân vùng biên giới.
HTX Nông nghiệp Long Việt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đang là một trong những điểm sáng gây ấn tượng mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên vùng núi Đắk Nông, với mô hình trồng và sản xuất mắc ca.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Việt cho biết, mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn sản phẩm mắc ca chưa chế biến và gần 30 tấn sản phẩm mắc ca qua chế biến. Với số lượng người nghèo nơi đây chiếm tới 50%, từ khi phát triển mô hình trồng cây mắc ca, đời sống của đồng bào thay đổi rõ rệt.
![]() |
Mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục đích, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người dân Tây Nguyên. |
Theo bà Dung, nếu như trước đây, người dân phải vào rừng để đào dược liệu quý mang đi bán, hay phá rừng làm rẫy, sống tạm bợ, dù từ năm 2010, các cấp chính quyền đã khuyến khích người dân địa phương trồng cây mắc ca để phát triển kinh tế nhưng bà con... ngó lơ! “Phải đến năm 2015, những sản phẩm mắc ca đầu tiên của địa phương được đưa ra thị trường, đem lại lợi nhuận về kinh tế, bà con bắt đầu quan tâm, chăm sóc và tìm hiểu sâu về sản xuất, thương mại. Đến năm 2023, trải qua 8 năm, bà con đã thoát nghèo, bỏ phá rừng làm rẫy để trồng cây mắc ca. Ngoài ra, bà con cũng trồng thêm cà phê, hồ tiêu để kiếm thêm thu nhập quanh năm, cuộc sống phần nào cải thiện hơn”, bà Dung chia sẻ.
Hiện, diện tích cây mắc ca của các thành viên HTX Nông nghiệp Long Việt là 140 ha, mắc ca của thành viên và các bà con sau khi thu hoạch sẽ được HTX thu mua và đưa đi chế biến. Đồng thời, nếu sản lượng lớn thì HTX cũng hỗ trợ bà con liên kết với các doanh nghiệp khác thu mua chế biến.
HTX có 22 thành viên chính thức và 45 thành viên liên kết, trong đó các thành viên dân tộc thiểu số tại chỗ và vùng miền chiếm hơn 70%. Nhờ hoạt động tốt, HTX liên tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, vững vàng. HTX đang thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động chính thức, mức thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều lao động thời vụ, đa số là người nghèo trong vùng, với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Vào đầu năm 2023, với mong muốn cùng người dân vượt khó vươn lên, HTX đã hỗ trợ cho 6 hộ gia đình là hộ nghèo 100 cây mắc ca/hộ, kèm theo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ngoài ra, HTX cũng kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ cho những thành viên khó khăn xây, sửa nhà hay giải quyết vấn đề khó khăn trong sinh hoạt đời sống, tổ chức các chương trình thăm hỏi, hỗ trợ các hộ khó khăn là thành viên của HTX.
Từ cây trồng xen đến nguồn thu chủ lực
Tại tỉnh Đắk Lắk, sau thời gian trồng thử nghiệm, cây mắc ca được đánh giá phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở nhiều địa phương, cho năng suất cao, chất lượng tốt và đang đem lại thu nhập lớn cho người dân.
Những năm trước đây, gia đình ông Dương Thanh Thiều (xã Cư Klông, huyện Krông Năng) chỉ tập trung trồng cây cà phê, hồ tiêu. Khi vườn cà phê bắt đầu già, ông Thiều bàn với gia đình trồng xen bơ để tăng nguồn thu. Thời điểm này, gia đình ông Thiều thấy mắc ca là cây mới nên mua về trồng thử. Ông Thiều cho biết từ cây trồng xen, đến nay, mắc ca là nguồn thu nhập chính.
Ban đầu, ông Thiều chỉ mua trồng thử nghiệm 100 cây. Sau 3 đợt trồng, đến nay, khu vườn rộng hơn 2ha của gia đình ông đã có 400 cây mắc ca, trong đó hơn 200 cây đã cho quả. “Lúc mới đưa về trồng, người dân xung quanh nói sau này chắc chẳng ai mua. Thời điểm trồng không biết đầu ra cây mắc ca như thế nào nhưng tôi vẫn quyết tâm trồng thử”, ông Thiều nhớ lại.
Cây mắc ca chi phí đầu tư ít, một năm, gia đình ông Thiều chỉ bỏ ra chưa đến 50 triệu đồng. Với chi phí thấp như vậy, các hộ ít vốn có thể trồng để xóa đói giảm nghèo. Cây càng xanh tốt thì càng cho quả nhiều. Mắc ca ngoài cho thu nhập cao về kinh tế còn giúp che phủ, không để đất xói mòn vì tán lớn, rậm, phủ đều kín vườn giống như một khu rừng.
“Năm ngoái, gia đình thu được 3 tấn nhân mắc ca, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 80.000 đồng/kg (quả tươi). Trước đây, trồng mắc ca chỉ nghĩ để trồng xen, tạo cây bóng mát và phủ xanh vườn nên cho cây phát triển tự nhiên, không chăm sóc. Nếu biết cây mắc ca cho kinh tế, gia đình đã tập trung chăm sóc từ đầu thì đến nay thu nhập có lẽ còn cao nữa”, ông Thiều chia sẻ.
![]() |
Các HTX, tổ hợp tác đã xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, mang lại cuộc sống ấm no cho thành viên và người dân. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết, Đắk Lắk phấn đấu phát triển vùng nguyên liệu mắc ca đến năm 2030 đạt 4.000ha (trồng thuần 1.000ha, trồng xen 3.000ha). Tính đến nay, tỉnh có diện tích mắc ca đạt trên 2.200ha và kế hoạch trồng mới giai đoạn 2021 - 2030 là 2.000ha. Diện tích mắc ca hiện tại của Đắk Lắk được phát triển tại 7 huyện, thành phố gồm: huyện Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk, Cư Mgar, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ và TP Buôn Ma Thuột.
Để việc phát triển mắc ca bền vững, Đắk Lắk khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối HTX và tổ hợp tác, xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi liên kết từ trồng đến tiêu thụ. Đối với các hộ gia đình, cần liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, tổ hợp tác để xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm.
Giúp người dân làm giàu bền vững
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, đến nay, diện tích mắc ca vùng Tây Nguyên là gần 10.000 ha chiếm 52,4% diện tích mắc ca hiện có trên pham vi toàn quốc. Diện tích mắc ca của Tây Nguyên chủ yếu trồng xen canh với các cây công nghiệp, cây nông nghiệp khác như cà phê, chè, hồ tiêu,…
Diện tích mắc ca đang cho thu hoạch là trên 5.000 ha (chiếm 53%), diện tích cho năng suất ổn định chiếm 255 ha.
Về hiệu quả kinh tế, đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên có khoảng 25.000 ha sẽ cho thu hoạch, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 5.000 ha và diện tích trồng xen khoảng 20.000 ha; năng suất bình quân đạt 3 tấn hạt/ha đối với trồng thuần và 1,5 tấn hạt/ha đối với trồng xen.
Giá mắc ca được dự báo đến năm 2030 sẽ ổn định theo giá thế giới khoảng 65.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 195 triệu đồng/ha/năm (đối với trồng thuần) và đạt khoảng 97 triệu đồng/ha/năm (đối với trồng xen). Tổng sản lượng ước đạt 45.000 tấn hạt. Với giá bán ổn định đối với sản phẩm thành phẩm theo thị trường quốc tế khoảng 200 triệu đồng/tấn hạt thì doanh thu tương đương với khoảng 4.000 tỷ đồng.
Với hiệu quả kinh tế như vậy, việc trồng mắc ca được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tập quán canh tác của người dân vùng Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội mắc ca Việt Nam bày tỏ tin tưởng về giá trị kinh tế của cây mắc ca. Ông Hùng cho biết, hạt mắc ca là loại quả khô ngon nhất thế giới, ngon hơn cả hạt điều, hạt hạnh nhân và hạt hạch đào. Dầu và hạt mắc ca còn được sử dụng làm thực phẩm rất bổ dưỡng và được ưa chuộng.
Ông Hùng cho rằng, nên chăng cần phải có cuộc cách mạng cho nông nghiệp Tây Nguyên và khẳng định chỉ cần mỗi hộ nông dân có 50 cây mắc ca thì cả Tây Nguyên sẽ được xóa đói giảm nghèo. Cây mắc ca sẽ là thế mạnh, đòn bẩy giúp Tây Nguyên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thu Hiền