The House of Gucci, hay thường được biết đến nhiều hơn với cái tên ngắn gọn là Gucci, được đánh giá là một trong những biểu tượng thời trang đắt giá nhất thế kỷ XX.
Gucci cũng là một trong số ít những thương hiệu được hòa quyện tinh hoa từ những kinh đô thời trang lớn nhất thế giới là Italia, Anh và Pháp. Được sáng lập bởi Guccio Gucci (1881 - 1953) tại Florence, thành công của Gucci là một câu chuyện lịch sử của sự biến đổi không ngừng và những thích ứng tài hoa của các nhà lãnh đạo công ty.
Nguồn gốc Anh quốc
Điểm đặc biệt đầu tiên của Gucci đến từ chính nguồn gốc của thương hiệu. Dù được thừa nhận rộng rãi với tư cách một hãng thời trang danh giá của Italia, nhưng thực tế nguồn cảm hứng cho sự ra đời của nhãn hàng tinh tế và quý phái này lại xuất phát từ London, Anh.
Mọi chuyện bắt đầu một cách khá tình cờ khi người sáng lập ra Gucci – Guccio Gucci còn đang làm nhân viên khách sạn tại Londons Savoy Hotel trong những năm đầu thế kỷ 20. Đây là nơi nghỉ quen thuộc chỉ dành cho giới thượng lưu và những nhân vật giàu có tại nước Anh. Với con mắt tinh tường của mình, Gucci đã phát hiện ra một nghịch cảnh khá thú vị, đó là trong khi những quý ông, quý bà có thể có những bộ xiêm y đắt tiền, đẳng cấp, nhưng vẻ ngoài của họ lại không thể đạt tới mức hoàn hảo bởi sự thiếu vắng những chiếc vali – túi xách xứng tầm để đựng đồ trong những chuyến đi dài ngày.
Kết quả là, ở tuổi 40, Guccio Gucci đã nói lời tạm biệt với nước Anh, trở về Florence, Italia và mở một cửa hiệu bán vali – túi xách của riêng mình. Trên cơ sở nắm bắt được thị hiếu yêu thích đồ da lúc bấy giờ, Gucci thiết kế những sản phẩm cao cấp chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Toàn bộ sản phẩm đều được làm thủ công bởi các nghệ nhân vùng Tuscany, Italia. Tuy nhiên, tên tuổi của hãng thiết kế đồ da Gucci chỉ thực sự được biết đến khi tạo ra những bộ sản phẩm thời trang phục vụ cho việc hưởng thụ của tầng lớp quý tộc, đó là thú vui cưỡi ngựa.
Vào thời gian đó, cưỡi ngựa đang là một thị hiếu không thể bỏ qua của giới thượng lưu. Trên thị trường lúc bấy giờ cũng có không ít các thương hiệu phục vụ cho thú vui này. Tuy nhiên, điều khiến Gucci vượt qua các đối thủ cạnh tranh chính là con mắt đánh giá đúng đắn của ông chủ Guccio. Theo ông, cưỡi ngựa thì không cần diêm dúa, màu mè, mà cần sự gọn gàng, tiện lợi. Đó chính là lý do những tông màu nâu giản dị, với chất liệu da sang trọng đã được Gucci lựa chọn cho những thiết kế của mình.
Làm giàu từ những chuyến đi
Bên cạnh đó, Gucci cũng nhận thấy điều mà giới thượng lưu cần không chỉ là vật dụng cho cưỡi ngựa, mà còn cả túi sách và vali cho các chuyến đi. Cái mà họ thích là tất cả đồng bộ, cùng có ký hiệu của một thương hiệu, từ yên ngựa đến dây cương, từ khăn quàng đến giày ủng, từ túi xách tay đến vali, từ túi đựng đồ đến găng tay, mũ áo và cả những đồ trang sức phù hợp cho cưỡi ngựa và đi du lịch. Gucci là hãng đầu tiên đáp ứng nhu cầu và mong muốn "tất cả trong một" đó.
Với phương châm kinh doanh của Gucci là muốn bán được sản phẩm với giá cao thì mỗi sản phẩm của Gucci phải là một tác phẩm nghệ thuật. Guccio Gucci đã xây dựng thương hiệu chuyên biệt về đồ da và sử dụng những thợ thủ công lành nghề chuyên nghiệp cũng như nguyên liệu hảo hạng nhất. Chẳng mấy lâu sau, Gucci dần trở thành biểu tượng của những gì đẳng cấp và phong cách nhất.
Những năm 1930, nhãn hàng hiệu Gucci đã thành công nhờ thu hút được một số lượng lớn khách hàng thượng lưu sành điệu với bộ sưu tập: túi xách, gậy, găng tay, giày và dây lưng cho những người cưỡi ngựa trở thành biểu tượng thời trang Italia. Nhanh chóng sau đó, từ Florence, Guccio Gucci mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh ra khắp Italia, trước tiên là Roma và từ đó chinh phục kinh đô thời trang của Italia là Milano. Đầu thập kỷ 1950, Gucci vươn sang nước Mỹ và nhanh chóng trở thành thương hiệu Italia nổi tiếng nhất ở đây.
Guccio Gucci mất năm 1953. Ba người con trai kế tục sự nghiệp của cha, trung thành với ý tưởng và định hướng kinh doanh của người cha. Vào những năm 1960, Gucci đã tạo nên một cơn bão khi được xem là một "đế chế" bên cạnh các dòng sản phẩm cao cấp và sành điệu khác. Các ngôi sao ở Hollywood đã đặt tên Gucci đồng nghĩa với "chic", có nghĩa là sang trọng, lịch sự. Trong một thời gian dài, nhãn hiệu này biểu tượng cho những nhân vật tên tuổi và ngôi sao điện ảnh lớn như Jackie Onassis, Elizabeth Taylor.
Những năm 1970 nhiều cửa hiệu Gucci được mở tại Hongkong và Tokyo đã được mở, đánh dấu sự xâm lăng của đế chế hàng hiệu Gucci đến châu Á. Gucci tiếp tục tăng tính đa dạng của sản phẩm, chú trọng việc tìm kiếm những mẫu mã đặc biệt dựa trên những vật liệu cao cấp và thiết kế sáng tạo, nhằm tạo ra thương hiệu về chất lượng và kiểu dáng tinh xảo. Những mẫu mã cổ điển được thay đổi lại với hình dáng và màu sắc phù hợp, đồng thời giới thiệu những dòng sản phẩm mới.
Năm 1990, Tom Ford gia nhập "gia đình Gucci" và trở thành giám đốc thiết kế chính cho trang phục của các quý bà, quý cô. Năm 1993, Maurizio Gucci bán cổ phần của ông cho tập đoàn Investcord. Một năm sau, Domenico De Sole trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của Gucci NV và Tom Ford được chỉ định làm giám đốc sáng tạo của Gucci đánh dấu sự hiện diện của Gucci có mặt trên toàn cầu.
Năm 2011, doanh thu của hãng đã tăng lên 19% đạt kỷ lục 4,16 tỷ USD. Nhiều chuyên gia dự báo, Gucci sẽ vẫn duy trì được sức hút của mình trong năm nay như trong hai năm qua. Các sản phẩm làm bằng da chiếm 56% tổng doanh thu của hãng.
Thu Trang