Đất đai là một trong những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, là một yếu tố tác động đến giá thành, cũng như chất lượng sản phẩm, nên rất cần cơ chế khuyến khích, để HTX, doanh nghiệp mở rộng sản xuất nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chính sách đã có, thực tiễn chậm chạp
Chính sách đất đai qua các thời kỳ đã từng bước được hoàn thiện và thể hiện sự tiến bộ, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các HTX. Năm 2012, Trung ương đã ban hành Nghị quyết về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn (Tam nông) để tiến tới một nền nông nghiệp sản xuất hiện đại.
Việc thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết đã tạo bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đất đai để “dồn điền đổi thửa”, quy hoạch lại đồng ruộng, phát triển kinh tế trang trại, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới… Quá trình này đã góp phần vào việc phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp, phát huy tiềm năng đất đai, nâng cao hiệu quả sản xuất, thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, quá trình tích tụ ruộng đất còn chậm, việc thực hiện còn chưa thật sự gắn với tính công bằng, bền vững.
Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: Internet) |
Ts. Đặng Kim Sơn, Viên trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp cho rằng, sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất quá nhỏ không thể có lãi, nên thời gian qua, nhiều nông dân đã bỏ hoang đất đai để ra thành phố kiếm việc làm với thu nhập cao hơn. Ngay cả những vùng đất được coi là bờ xôi ruộng mật như Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), nhiều nơi nông dân không thiết tha với việc đưa đất vào sản xuất, vì một hộ nông dân chỉ được chia vài sào ruộng thì sản xuất thâm canh đến mấy cũng không đủ nuôi gia đình. Tại ĐBSH có những vùng 70-80% thu nhập của người nông dân dựa vào việc di cư ra thành phố tìm kiếm việc làm, hệ số quay vòng sử dụng đất tại ĐBSH thời gian qua giảm mạnh.
Cần cơ chế để bứt phá
HTX với đặc điểm là nguồn vốn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng là khó khăn để duy trì hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh, do đó chính sách đất đai cần linh hoạt trong việc ưu đãi, miễn giảm tiền thuê đất, cần phải rà soát để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về đất đai. Xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất. Việc ưu đãi phải thực chất và chỉ thực hiện ưu đãi đối với HTX đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường; đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn với mức độ miễn, giảm tiền thuê đât một cách hợp lý, phù hợp, tránh tâm lý trông chờ, dựa vào ưu đãi của Nhà nước.
Ngoài ra, nông dân muốn tăng quy mô tích tụ ruộng đất cần phải có vốn, nếu giá chuyển những quyền sử dụng đất từ 100.000 - 200.000 đồng/m2, để có thêm 1 ha phải có 1 - 2 tỷ đồng, vượt quá khả năng của nông dân. Do vậy, Nhà nước cần phải có quỹ đất và hỗ trợ nông dân vay vốn với cơ chế phù hợp. Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp cũng cần rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng sản xuất, làm đầu mối kết nối người dân với HTX để thu hút nguồn lực tạo quỹ đất lớn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, mở rộng các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa.
Minh Thành