Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Chỉ cách đây 2 năm, huyện Tràng Định chỉ có một HTX chế biến lâm sản duy trì hoạt động. Từ năm 2016, cùng với nhu cầu liên kết sản xuất, các mô hình HTX trên địa bàn huyện nhanh chóng được thành lập. Riêng năm 2017, huyện có thêm 4 HTX nông nghiệp tại các xã Chi Lăng, Quốc Khánh và thị trấn Thất Khê”.
Xã Cao Minh đang là địa phương có thế mạnh về cây quế. Để đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã đã thành lập được 8 tổ hợp tác trồng quế. Dù bước đầu đem lại kết quả tích cực, song sự liên kết trong sản xuất của các tổ hợp tác còn thiếu chặt chẽ, mang tính thời vụ.
Trước đòi hỏi của thị trường, xã đã tuyên truyền, vận động các tổ hợp tác liên kết lại thành lập nên HTX quế Cao Minh. Sự ra đời của HTX đã bước đầu khắc phục được những hạn chế trong cách sản xuất cũ, khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, các phương thức sản xuất an toàn được áp dụng, mang lại hiệu quả và sự an toàn cao cho người sản xuất.
Ông Hồ Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Cao Minh chia sẻ: “HTX ra đời đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ lạc hậu, manh mún sang sản xuất khoa học, mở rộng liên kết, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, an toàn lao động (ATLĐ), đồng thời có đóng góp quan trọng giúp xã hoàn thành tiêu chí 13 về hình thức sản xuất trong xây dựng NTM”.
Các HTX tại Tràng Định đang có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả cao |
Không có quy mô lớn như HTX Cao Minh, HTX Mu Hoom (thị trấn Thất Khê) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất giống lợn rừng, được thành lập bởi nhóm thanh niên trẻ tuổi, khát khao khẳng định mình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Lương Thanh Tuấn - Giám đốc HTX cho biết: “Qua tìm hiểu thị trường cho thấy, nhu cầu thịt lợn rừng thế hệ đầu (F1) còn khá cao, trong khi trên địa bàn lại chưa có. Tháng 4/2017, HTX Mu Hoom được thành lập, đến nay đã gây được 30 con lợn rừng nái hậu bị chất lượng cao. HTX đang đầu tư xây dựng mở rộng chuồng trại, học tập kinh nghiệm để chuẩn bị mở rộng quy mô”.
Trong quá trình phát triển, HTX luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng hàm lượng chất xám vào các sản phẩm, đảm bảo sản xuất an toàn, các quy định về ATLĐ. Thành viên HTX được tập huấn kỹ năng sử dụng máy móc, áp dụng kỹ thuật thuật mới, đảm bảo quá trình chăn nuôi hiệu quả, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Xác định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác, huyện Tràng Định đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ HTX phát triển, mở rộng quy mô, thu hút thành viên tham gia. Bên cạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật, huyện còn hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng các mô hình kinh tế điểm hiệu quả, tăng cường phổ biến các quy định về ATLĐ.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định, năm 2017, huyện đã trích kinh phí từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ mô hình HTX quế Cao Minh 406 triệu đồng; 800 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới và hệ thống giàn chanh leo cho HTX Dũng Tiến; trên 1 tỷ đồng nhân rộng mô hình trồng chanh leo của HTX Chi Lăng…
Vịnh Xuân