Nhờ đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế cũng như chú trọng phát triển HTX, Bắc Giang đã đạt được nhiều thành quả trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang có 24.639 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,27%), 24.516 hộ cận nghèo (chiếm 5,24%). Năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 17.946 hộ, chiếm 3,81%, hộ cận nghèo còn 19.797 hộ, chiếm 4,2%.
Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế
Có được những kết quả trên, các ban ngành và địa phương Bắc Giang đã chung tay thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhân dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bắc Giang thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhân dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. |
Tại huyện Tân Yên, các hộ nghèo, cận nghèo được Hội nông dân hỗ trợ cây giống căn cứ theo nhu cầu và phải phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Điển hình, xã Hợp Đức hỗ trợ hộ nghèo trồng các loại cây gồm vú sữa, vải thiều; xã Quế Nham, Ngọc Lý tặng cây bưởi, hồng xiêm. Tại xã Liên Chung, hộ dân được tặng cây bưởi, mít hoặc sâm Nam núi Dành.
Trường hợp của gia đình bà Kim Thị Thủy (thôn Hương, xã Liên Chung) là một trong những ví dụ điển hình đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ 100 cây bưởi giống được Hội Nông dân xã hỗ trợ, bà Thủy chuyên tâm phát triển và thu hoạch tốt, mỗi vụ thu được 15-20 triệu đồng.
Đến nay, toàn huyện đã trồng, tặng tổng cộng 120 vườn cây ăn quả gồm các loại nhãn, bưởi, hồng xiêm, vú sữa, mít, xoài… Sau 5 năm, các cơ sở hội nông dân trong huyện đã giúp 135 hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân gần 2%/năm.
Tại huyện Yên Thế, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những mô hình mới vào canh tác, nhiều hộ đã thoát nghèo.
Yên Thế có khoảng 19 thôn, bản thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn. Tại những thôn này, cùng với chính sách hỗ trợ, người dân đã chủ động khai thác lợi thế để phát triển kinh tế. Ở thôn Đồng Bông (xã Tân Hiệp), mô hình trồng dưa chuột được nhân rộng từ vài hộ lên hơn 30 hộ với diện tích gần 8 ha.
Tại xã Đồng Vương, chị Nguyễn Thị Hải liên kết với 11 hộ thành lập tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản. Mô hình của Tổ hợp tác là trồng ớt trên diện tích 20 ha, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.
Nhờ các nỗ lực của người dân, trong đó có các thành viên tổ hợp tác và HTX, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm theo từng năm, từ 4,91% vào năm 2021 xuống 3,76% vào năm 2022. Yên Thế phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% vào cuối năm nay.
Thúc đẩy phát triển HTX
Đáng chú ý, Bắc Giang đã dành nhiều nguồn lực phát triển các HTX nhằm giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) khai thác tiềm năng, lợi thế, vươn lên thoát nghèo.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2021, Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh có chương trình phối hợp, cùng hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền, vận động thành lập mới các HTX trong vùng đồng bào DTTS&MN, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ, tư vấn, vận động thành lập mới 5 - 10 HTX tại vùng DTTS&MN, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, phối hợp các hoạt động khởi nghiệp, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN trên nhu cầu thực tế, tiềm năng và lợi thế vùng.
Nhờ đó, thời gian qua, nhiều HTX tại Bắc Giang đã được thành lập mới, hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, giữa năm nay, HTX Yên Sơn được thành lập với 7 thành viên là những hộ đồng bào DTTS tham gia ươm giống cây trên địa bàn xã. Sau khi thành lập, thành viên HTX thường xuyên trao đổi kỹ thuật, chia sẻ khách hàng để cùng phát triển.
Hay như tại xã Vân Sơn (Sơn Động), tháng 9/2022, UBND xã Vân Sơn (Sơn Động) hướng dẫn một số hộ dân tộc Tày ở thôn Nà Vàng liên kết thành lập HTX Phú Cường. Được UBND huyện hỗ trợ 300 triệu đồng mua máy ấp trứng, ép cám viên, từ 200 gà bố mẹ, đến nay HTX có hơn 1.000 con gà giống và duy trì từ 2-3 nghìn gà thương phẩm. Từ tháng 9/2023, HTX bắt đầu có gà thương phẩm với số lượng khoảng 500 con/tháng. Với giá bán 180.000 đồng/kg, dự kiến người chăn nuôi sẽ có nguồn thu đáng kể.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Bên cạnh những kết quả tích cực, sự phát triển các mô hình HTX tại vùng DTTS&MN tỉnh Bắc Giang cũng còn những hạn chế nhất định. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dù số HTX tại vùng DTTS&MN của tỉnh được thành lập mới tăng trong những năm gần đây, nhiều HTX đã khẳng định được hướng đi đúng và từng bước lớn mạnh, song trên thực tế, số lượng, chất lượng các HTX còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn thấp, chưa có sức lan tỏa, chưa tạo sự gắn kết cho thành viên và người dân. Nhiều HTX chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm. Ngành nghề kinh doanh không đa dạng, sản phẩm tạo ra chưa có tính cạnh tranh cao, khó tiêu thụ, sản phẩm sản xuất ra còn mang tính tự phát, chưa được đăng ký nhãn hiệu hàng hoá…
Để phát triển kinh tế HTX tại Bắc Giang trong thời gian tới, một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm đẩy mạnh đó là việc ứng dụng công nghệ số làm bàn đạp cho sự phát triển. UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025".
Đồng thời, tỉnh đã bố trí 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, cài đặt trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...); thực hiện hỗ trợ, phát triển các mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… mang đến cho các HTX nông nghiệp nhiều cơ hội, và trở thành giải pháp hữu ích nâng cao hiệu quả kinh tế. Để thích ứng với thời đại 4.0, nhiều HTX vùng DTTS&MN ở Bắc Giang đã chủ động ứng dụng công nghệ trong các khâu, nhất là sản xuất, tiêu thụ.
Một số HTX có sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động); HTX Dược liệu Lựu Chanh Trường Sơn (Lục Nam); HTX Dược liệu Thiện Tâm (Yên Thế)… Cùng đó, tại vùng đồng bào DTTS, người dân, thành viên HTX đã tiếp cận công nghệ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP như: Vải thiều Lục Ngạn; na, dứa Lục Nam…
Ông Đinh Văn Lai, Giám đốc HTX Ba kích tím Tây Yên Tử (Sơn Động) cho biết: HTX đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Động”. Kết quả thực hiện dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng cây Ba kích tím theo tiêu chí GACP-WHO, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập đã trừ chi phí đạt khoảng 995 triệu đồng/ha, gấp 5 - 6 lần so trồng cây lâm nghiệp. Ngoài ra, dự án góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS nơi đây.
Hay tại HTX Gà núi Hương Sơn, HTX đã ứng dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi gà giúp cho người nông dân nhàn hơn rất nhiều mà chất lượng con gà lại cao lên, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân ngày một tăng cao.
Nhật Nam